|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu rời bỏ thị trường Trung Quốc

16:35 | 29/07/2022
Chia sẻ
Rất nhiều ông lớn như SK, Lotte, LG,... đã có những động thái rút bớt hoạt động tại thị trường Trung Quốc sau thời gian tập trung phát triển ở thị trường này.

Ngày càng có nhiều công ty Hàn Quốc rời Trung Quốc song song với xu hướng toàn cầu gần đây, đồng thời di dời lực lượng lao động và cơ sở sản xuất của họ ra khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới.

Mặc dù Trung Quốc từng được coi là vùng đất đầy cơ hội với chi phí lao động thấp và tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng gã khổng lồ châu Á hiện đang vướng vào nhiều vấn đề với phương Tây.

Với thị trường không ổn định, rất nhiều công ty đã chuyển đi tới các thị trường khác. Các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Việt Nam và Ấn Độ, là những người được hưởng lợi.

Theo báo cáo của Korea Times, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) Chey Tae-won đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế thân thiện với Trung Quốc, mặc dù tập đoàn SK Group dưới sự lãnh đạo của ông cũng đã thu hẹp hoạt động ở đó.

"Cho dù bạn muốn hay không, Trung Quốc vẫn là một thị trường đặc biệt quan trọng. Còn quá sớm để quyết định ngừng kinh doanh ở Trung Quốc", ông Chey chia sẻ và nói thêm rằng đang có những khó khăn trong việc kinh doanh ở đó.

Nhiều ông lớn Hàn Quốc bắt đầu rời bỏ thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Cho Sang-won/Korea Times).

Tháng 8 năm ngoái, SK China, công ty nắm giữ hoạt động của tập đoàn SK tại Trung Quốc, đã bán toàn bộ cổ phần của mình trong hoạt động kinh doanh cho thuê ô tô tại thị trường Trung Quốc cho Toyota với giá 300 triệu nhân dân tệ (44 triệu USD). Tập đoàn này cũng đã bán tòa nhà SK Tower ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm ngoái.

SK Group cho biết việc bán tháo là do kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng của Trung Quốc, nhưng một loạt các biện pháp tái cơ cấu được coi là một phần trong nỗ lực của tập đoàn nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, giống như nhiều công ty Hàn Quốc khác đang làm.

Một cuộc khảo sát gần đây do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) thực hiện cho thấy phần lớn công ty Hàn Quốc kinh doanh tại Trung Quốc đang xem xét cắt giảm quy mô, rút ​​lui hoặc chuyển địa điểm hoạt động sang những nơi khác.

Điều này xảy ra khi hầu hết doanh nghiệp này dự đoán rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt đối với dịch COVID-19 trong suốt năm nay.

Theo cuộc khảo sát, hơn 88% số người được hỏi cho biết các biện pháp phong tỏa của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp của họ và gây ra những trở ngại trong vận chuyển, bán hàng, tiếp thị và chuỗi cung ứng.

Văn phòng KITA tại Thượng Hải cho biết: “Ngay cả khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, Thượng Hải vẫn tiếp tục hạn chế các dịch vụ tiếp xúc trực tiếp. Tình hình đi lại vẫn còn bất tiện nên sẽ mất thời gian để các công ty bình thường hóa hoạt động sản xuất của họ tại Trung Quốc”.

Doanh nghiệp Hàn Quốc nghi ngờ bị phân biệt đối xử

Các công ty Hàn Quốc cũng nói rằng các quy định của chính phủ Trung Quốc, phân biệt đối xử có lợi cho các doanh nghiệp địa phương, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, được coi là những lý do chính khiến môi trường đầu tư ở đó xấu đi với các doanh nghiệp xứ Kim chi.

Tập đoàn Lotte gần như đã hoàn tất việc rút khỏi Trung Quốc, sau 5 năm đối mặt với việc bị chính quyền Bắc Kinh siết chặt quy định và kiểm soát. Mọi thứ được cho là bắt nguồn từ quyết định của tập đoàn vào năm 2016 trong việc cung cấp một địa điểm cho Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Công ty mỹ phẩm và làm đẹp Amorepacific cũng đã đóng cửa hàng trăm cửa hàng trong vài năm qua, sau khi bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay trong thời gian dài. Tập đoàn ô tô Hyundai đã bán nhà máy của mình ở Bắc Kinh vào năm ngoái, hai năm sau khi hoạt động của nhà máy bị đình chỉ do doanh số bán hàng chậm lại trong bối cảnh THAAD được triển khai.

LG Corp. đã bán tòa nhà Twin Tower ở Bắc Kinh với giá 8 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, trong khi LG Electronics cũng thanh lý hai nhà máy ở Thiên Tân và Côn Sơn, cũng như một cửa hàng Hi Plaza ở Thẩm Dương.

Mỹ cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất pin và bán dẫn của Hàn Quốc rời khỏi Trung Quốc, nhằm tăng cường hợp tác giữa các đồng minh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi "giao lưu kết bạn", một chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng loại trừ các quốc gia không thân thiện.

Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng Samsung Electronics và SK hynix sẽ bị thiệt hại nếu Hàn Quốc quyết định tham gia liên minh "Chip 4" do Mỹ dẫn đầu cùng với Nhật Bản và Đài Loan.

Theo báo cáo của Korea Times, các chuyên gia Mỹ đã loại trừ khả năng này, do các công ty Trung Quốc không có khả năng sản xuất chất bán dẫn chất lượng cao.

Samsung Electronics cũng đã cắt giảm lực lượng lao động của mình ở Trung Quốc, với số lượng nhân viên của họ ở đó giảm gần 52% xuống 17.820 người vào năm 2021 từ 37.070 người vào năm 2016. Ngược lại, số lượng nhân viên ở Hàn Quốc đã tăng lên 111.126 người từ 93.000 người trong cùng giai đoạn.

Doanh Chính