|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điều gì khiến số lượng vendor cấp 1 tại Việt Nam của Samsung tăng gấp chục lần sau 7 năm?

14:27 | 20/07/2022
Chia sẻ
Từ xuất phát ban đầu rất ít doanh nghiệp Việt đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của Samsung thì hiện nay số lượng vendor cấp 1 của Samsung đã tăng theo cấp số nhân, từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên 51 doanh nghiệp vào cuối năm 2021.

Từng chỉ có 4 nhà cung cấp (vendor) cấp 1 tại Việt Nam vào năm 2014 nhưng sau 7 năm, số nhà cung cấp của Samsung đã lên tới hàng trăm, trong đó có tới 51 vendor cấp 1 và 203 vendor cấp 2. 

Việc phát triển các nhà cung cấp trong nước là điều có lợi cho cả Samsung và các doanh nghiệp Việt, gián tiếp là sự phát triển của kinh tế địa phương. Nhà sản xuất trong nước có ưu thế về nhân công, giá thành và đặc biệt là vị trí địa lý giúp cho những "ông lớn" như Samsung có thể có được chi phí nguyên vật liệu thấp hơn.

Trong thời gian dài trước đây, rất ít doanh nghiệp Việt đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của Samsung. Nhận thấy không để đứng ngoài cuộc, Samsung đã chọn ra 9 doanh nghiệp ở TP HCM có khả năng tiếp cận gần nhất với tiêu chí đánh giá của họ để đưa chuyên gia vào đào tạo.

Nhờ đó, doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã thay đổi rất nhanh, dù thời gian đào tạo của Samsung rất ngắn. Chỉ khoảng 3 tháng, các chuyên gia Samsung đã giúp doanh nghiệp Việt Nam thay đổi nhanh cả về năng suất, hiệu quả, chi phí,... Sau đó, cả 9 doanh nghiệp này đều được chọn làm vendor cấp 1 của Samsung.

Từ mô hình này, Samsung đã hợp tác cùng Bộ Công Thương hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023). 

TạiLễ tổng kết dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh” đợt 1 tại 14 doanh nghiệp tham gia (7 DN tại Bắc Ninh, 2 DN Vĩnh Phúc, 3 DN Hà Nội, 1 DN Hưng Yên và 1 DN Hà Nam), các chuyên gia Samsung đánh giá có 3 doanh nghiệp đã ghi nhận những cải tiến vượt bậc trong việc tối đa hóa hệ thống.

Cùng với đó, 5 doanh nghiệp sau quá trình tư vấn đã xây dựng và triển khai hiệu quả việc thu thập dữ liệu theo thời gian thực. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ tư vấn cải tiến hiện trường sản xuất cho 6 doanh nghiệp còn lại. 

Dự án “Hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh” đợt 2 sẽ tiếp tục được thực hiện tại khu vực phía Nam từ tháng 8/2022, để tư vấn cho 12 doanh nghiệp. 

Samsung Việt Nam vận hành 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi 128 quốc gia. 

Trong năm 2021, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Samsung cũng duy trì mức tăng trưởng tới 16% so với năm 2020 bất chấp dịch COVID-19 cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định của Việt Nam.

Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Samsung toàn cầu, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D.

Tổng giám đốc Samsung Choi Joo Ho khảo sát đánh giá chất lượng các doanh nghiệp được đào tạo (Ảnh: Samsung Việt Nam)

Đánh giá về mô hình này, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho hay, đây là một hình rất thành công giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thay đổi rất nhiều.

Samsung là một doanh nghiệp không chỉ đầu tư thành công ở Việt Nam mà còn có tác động lan toả đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước, GS. Nguyễn Mại nhận xét.

Đánh giá về kết quả của chương trình hỗ trợ 14 doanh nghiệp của Việt Nam, Tổng giám đốc Samsung Choi Joo Ho cũng bày tỏ vui mừng khi được tận mắt chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của các doanh nghiệp sau khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh.

Những thay đổi này là nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh theo tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi quy trình như nghiên cứu, sản xuất… từ đó có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng không chỉ của Samsung mà cả mạng cung ứng toàn cầu, ông Choi Joo Ho cho biết.

Còn theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, sau khi tham gia dự án, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước cải tiến rất đáng khích lệ trong việc hoàn thiện, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu, đảm bảo cho việc áp dụng nhà máy thông minh. 

Sau dự án, các doanh nghiệp được tư vấn sẽ tiếp tục phát triển hệ thống nhà máy thông minh dưới sự cố vấn trực tuyến của các chuyên gia Hàn Quốc nhằm giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng lực tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại các địa phương là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh đã được Samsung phối hợp cùng Bộ Công Thương ký kết biên bản ghi nhớ vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 2 năm (2022 – 2023).

Từ năm 2015, Bộ Công Thương và Samsung đã phối hợp để triển khai chương trình tư vấn cải tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho 379 doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn 2018-2021, Bộ Công Thương và Samsung đã đào tạo 406 chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của lĩnh vực khuôn mẫu trong sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương và Samsung tiếp tục triển khai dự án đào tạo 200 kỹ thuật viên khuôn mẫu trong giai đoạn 2020 – 2023.

Qua nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp cung ứng, số lượng doanh nghiệp cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. 

Hạ An