|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra giữa mùa dịch

16:50 | 23/04/2020
Chia sẻ
Đa phần các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đều báo kết quả kinh doanh tăng trưởng về cả doanh thu và lợi nhuận trong quí I; hoạt động bán hàng được đẩy mạnh nhằm tận dụng cơ hội do COVID-19 mang lại, chiều ngược lại lo ngại về việc thiếu nguyên vật liệu sản xuất do thị trường Trung Quốc đóng cửa dường như chưa có nhiều tác động...
Doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra giữa mùa dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thống kê của người viết trên số liệu kết quả kinh doanh quí I của nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm cho thấy, đây là một trong những nhóm tăng trưởng tốt trong giai đoạn đầu đại dịch COVID-19 lây lan và diễn biến phức tạp.

Doanh nghiệp đầu ngành, CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) đem về doanh thu thuần 858 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ 44% lên 49%. Lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỉ đồng, tăng 31%. 

Công ty cho biết kết quả này đạt được nhờ nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng; bên cạnh đó Dược Hậu Giang cũng tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động. 

Một doanh nghiệp qui mô tương đối lớn khác, CTCP Pymepharco (Mã: PME) doanh thu tăng hơn 17% đạt 479 tỉ đồng. Biên lãi gộp hơn 47%, giảm nhẹ so với cùng kì năm ngoái. 

Tuy nhiên, Pymepharco lại tốn khá nhiều chi phí cho khâu bán hàng, ghi nhận tới 113 tỉ đồng trong kì, tương ứng 23,5% trên doanh thu. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty này còn lại hơn 75 tỉ đồng, tăng chỉ 9%. 

Doanh thu của CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đạt 304 tỉ đồng trong quí I, tăng hơn 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỉ đồng, tăng hơn 13%. Hay như CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) doanh thu thuần đạt 267 tỉ đồng, tăng 9%; lãi ròng đem về 32 tỉ đồng, tăng 23%. 

Doanh thu của CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Mã: MKP) tăng mạnh 49% đạt 404 tỉ đồng; nhưng lợi nhuận gộp lại chỉ tăng 20% đạt 77 tỉ đồng. Điều này phần nào cho thấy việc công ty mở rộng kinh doanh sang các sản phẩm hiệu quả sinh lời thấp hơn. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Mekophar đạt 19,4 tỉ đồng, tăng 18% so với quí I/2019. 

Hay như CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) doanh thu hợp nhất cũng tăng từ 401 tỉ đồng lên 519 tỉ đồng, tương ứng tăng hơn 29%. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 32 tỉ đồng, tăng 30%. 

Là doanh nghiệp duy nhất theo thống kê đi ngược dòng, doanh thu của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Mã: DMC) giảm gần 7% còn 290 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế 43 tỉ đồng, giảm 15%.

Doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra giữa mùa dịch - Ảnh 2.

Doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra giữa mùa dịch - Ảnh 3.

KQKD quí I của các doanh nghiệp ngành dược (BM tổng hợp)

 So với nhóm các doanh nghiệp Dược Hậu Giang, Pymerphaco, Imexpharm, OPC biên lãi gộp từ 40 - 50%; nhóm Mekophar và Dược Hà Tây tỏ ra kém hiệu quả hơn nhiều khi chỉ số này chỉ dao động từ 15 - 20%. Biên lãi gộp của Domesco nằm ở giữa, đạt 33%. 

Đa phần các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đều đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong quí đầu năm để có thể tận dụng cơ hội gia tăng nhu cầu do dịch bệnh. Như trường hợp của Dược Hậu Giang, chi phí bán hàng tăng hơn 26% lên 154 tỉ đồng; hay như Mekophar chi phí tăng gần 21%; Dược Hà Tây tăng 57%, Pymepharco tăng 8%...

Tình hình hàng tồn kho của các doanh nghiệp đều không có biến động đáng kể so với đầu năm.

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - Mã: BSI), hoạt động kinh doanh dược phẩm có thể sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. 

Đối với kênh OTC (bán tại các nhà thuốc), sau giai đoạn tích trữ thuốc men ban đầu, việc người dân hạn chế ra được có thể khiến doanh số kênh này sụt giảm. 

Còn với kênh ETC (bán theo đơn, tại bệnh viện), BSC cho rằng việc Chính phủ tập trung ứng phó với COVID-19 và tâm lí hạn chế đến bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo cũng có thể làm giảm doanh thu bán hàng. 

Tuy nhiên, công ty chứng khoán lưu ý đây chỉ là ảnh hưởng mang tính chất ngắn hạn (trong thời gian cách li xã hội), nhu cầu tiêu thụ thuốc sẽ quay trở lại bình thường trong trung hạn. 

Đối với ảnh hưởng từ phía cung, Trung Quốc đang quay trở lại làm việc góp phần làm giảm tác động tiêu cực đến quá trình nhập nguyên vật liệu dược phẩm của các doanh nghiệp nội địa. 

Đông A