|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp đồng loạt mở chiến dịch 'cứu giá' cổ phiếu khỏi tác động của COVID-19

08:03 | 18/03/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc giữa dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đồng loạt công bố việc mua lại cổ phiếu quĩ, điều này được kì vọng giúp giá cổ phiếu cân bằng và hồi phục trong ngắn hạn.

Doanh nghiệp lên kế hoạch mua cổ phiếu quĩ khi thị giá giảm sâu

Trước tình trạng giá cổ phiếu liên tục lao dốc sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, mới đây nhiều doanh nghiệp từ ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hay bất động sản đã đồng loạt công bố mua vào cổ phiếu quĩ với mục đích trợ giá cổ phiếu, ổn định tâm lí thị trường để tránh thiệt hại cho cổ đông.

TPBank (Mã: TPB) đăng kí mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu (tương ứng 1,17% vốn điều lệ) làm cổ phiếu quĩ từ ngày 20/3 đến 18/4. Mục đích để giảm lượng cổ phiếu lưu hành, hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cổ đông. Uớc tính, ngân hàng chi ra khoảng 210 tỉ đồng để hoàn tất giao dịch.

Bất động sản Đạt Phương (Mã: DPG) cũng dự kiến mua lại tối đa 1,5 triệu cổ phiếu quĩ nhằm gia tăng khối lượng cổ phiếu nắm giữ, doanh nghiệp này hiện không sở hữu cổ phiếu quĩ nào. Thời gian giao dịch diễn ra từ ngày 18/3 đến 17/4, trong bối cảnh cổ phiếu DPG đã giảm gần một nửa giá trị kể từ tháng 11/2019.

Trường hợp của Masan Consumer (Mã: MCH), dù không mua lại cổ phiếu quĩ nhưng công ty mẹ Masan Consumer Holdings đã mua vào 1 triệu cổ phiếu MCH từ ngày 4/3 đến 13/3 khi cổ phiếu này chứng kiến nhịp giảm sâu. Giao dịch làm tăng sở hữu của công ty mẹ lên trên 668 triệu cp, tương ứng tỉ lệ 94,81%.

Ngay sau đó, Masan Consumer Holdings tiếp tục đăng kí mua thêm 1,3 triệu cp MCH để tăng tỉ lệ sở hữu, dự kiến thực hiện giao dịch từ 17 - 31/3. Nếu thành công, cổ đông này sẽ nắm giữ gần 670 triệu cổ phiếu MCH, tương ứng tỉ lệ gần 95% vốn điều lệ của Masan Consumer.

Ngoài động thái cụ thể của các tổ chức trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch hỗ trợ giá cổ phiếu. Đơn cử, PAN Group (Mã: PAN) thông qua phương án mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu quĩ (tương đương 10% vốn điều lệ) của công ty, mục đích giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và gia tăng giá trị cổ đông.

Tương tự, Công ty cổ phần PVI (Mã: PVI) cũng vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua chủ trương mua tối đa 11,6 triệu cổ phiếu, tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ trong năm nay. Với mức giá cổ phiếu PVI đứng ở 28.500 đồng/cp như hiện nay, ước tính công ty cũng phải chi hơn 300 tỉ đồng để thực hiện giao dịch.

Công ty Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) cũng có kế hoạch mua lại tối đa gần 25,7 triệu cổ phiếu quĩ (15% vốn điều lệ) nhằm mục đích gia tăng giá trị cho cổ đông và tìm kiếm đối tác chiến lược để bán lại với giá trị trị hợp lí.

Gelex (Mã: GEX) muốn mua lại 29 triệu cổ phiếu (tương đương 5,94% vốn điều lệ) nhằm mục đích bình ổn giá cổ phiếu và tối đa hóa lợi ích cổ cho cổ đông. CTCP PVI (Mã: PVI) cũng tính phương án mua lại 11,56 triệu cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong năm nay.

Đáng chú ý, kế hoạch mua lại cổ phiếu quĩ cũng đang gấp rút được triển khai tại hàng loạt công ty bất động sản, nhóm doanh nghiệp thường dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho các khoản nợ vay hay phát hành trái phiếu 

Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Mã: HDC) thông qua phương án mua lại 2 triệu cổ phiếu quĩ ngay trong quí II. Cường Thuận Idico (Mã: CTI) dự định mua lại 15,7 triệu cổ phiếu. Bất động sản và đầu tư VRC (Mã: VRC) muốn mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu quĩ, tương đương 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành,...

Liều thuốc tăng lực cho cổ phiếu trong ngắn hạn?

Thông thường, các doanh nghiệp thường mua mua cổ phiếu quĩ khi thị giá cổ phiếu giảm sâu hoặc cho rằng cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp hơn giá trị thực. Hành động này góp phần giúp tâm lí nhà đầu tư ổn định hơn, giảm áp lực bán tháo và cân bằng lại cung cầu nên thường tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn.

Hoạt động này cũng giảm bớt tỉ lệ cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường, hay chính là làm giảm nguồn cung, tạo ưu thế cho bên mua thúc đẩy giá cổ phiếu tăng. Trong khi về dài hạn, số lượng cổ phiếu giảm xuống giúp tăng thu nhập trên mỗi phần (trong trường hợp doanh nghiệp không sụt giảm lợi nhuận) cũng tạo sự hấp dẫn của cổ phiếu với nhà đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp trên, thông tin mua cổ phiếu quĩ đã phần nào cho thấy hiệu quả khi giá cổ phiếu phản ứng tích cực trên thị trường. Cổ phiếu TPB tăng hơn 11% trong 3 phiên giao dịch sau khi TPBank công bố mua lại cổ phiếu quĩ; cổ phiếu PAN thậm chí tăng trần hai phiên liên tiếp; các mã còn lại cũng ghi nhận xu hướng tăng khá mạnh trong 3 phiên gần đây.

Ngoài động thái trực tiếp từ chính doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan quản lí cũng rất quan tâm tới diễn biến của TTCK trước những ảnh hưởng từ dịch COVID-19, đồng thời có những giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mua cổ phiếu quĩ bình ổn thị trường, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, UBCK sẽ hỗ trợ xử lí hồ sơ mua cổ phiếu quũ trong vòng 1 ngày, thậm chí là sớm hơn, thay vì xử lí trong vòng 7 ngày như qui định.

Đồng thời, đại diện UBCKNN cũng cho biết Bộ Tài chính đã đồng ý về mặt chủ trương giảm giá một số dịch vụ chứng khoán theo đề xuất của UBCKNN, trước mắt sẽ giảm 4 loại giá dịch vụ trên TTCK phái sinh tại VSD.

Các loại giá dịch vụ khác trên thị trường cũng sẽ tiếp tục được xem xét và xin ý kiến Bộ chỉ đạo thực hiện khi cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời nhất cho nhà đầu tư và thị trường.

Đan Nguyên