Doanh nghiệp đồ uống xin 'lùi' thời hạn sửa đổi Luật Thuế TTĐB thêm hai năm
Góp ý với dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mà Bộ Tài chính đưa ra, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
“Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng thuế TTĐB đáp ứng được yêu cầu cao hơn, đảm bảo được một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, chính sách được đề xuất có đảm bảo nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 không?
Thiếu cơ sở để đánh thuế với đồ uống có đường
Lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước, trong khi doanh nghiệp cần phục hồi sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu còn rất khó khăn, ông Tuấn nêu vấn đề.
Một trong những nội dung được đưa ra trong Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là việc bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.
Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn đặt câu hỏi, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn liệu có nằm trong phạm vi những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, phải đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB? "Điều này chưa được phân tích rõ trong Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính”, ông Tuấn nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho hay, đề xuất từ Tờ trình của Bộ Tài chính cho rằng “thức uống đại mạch” là sản phẩm tương tự bia không cồn do có nguyên liệu, quy trình, hình thức, mùi vị giống bia nên cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Chúng tôi cho rằng cơ sở đề xuất này là rất bất hợp lý, vì các yếu tố giống nhau này không phải là cơ sở pháp lý để áp thuế TTĐB và cũng không phải là cơ sở phù hợp với mục đích của sắc thuế TTĐB", ông Việt nói.
Theo ông, đề xuất mở rộng bổ sung đồ uống không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB vô hình trung sẽ chỉ khuyến khích việc tiếp tục tiêu thụ đồ uống có cồn, không khuyến khích mọi hoạt động đầu tư và đổi mới vào các sản phẩm ít cồn hoặc không cồn, ngay cả khi thuế suất thấp hơn. Thay đổi thói quen tiêu dùng là một quá trình đầy thách thức và lâu dài, nếu không có sự hỗ trợ của các chính sách phù hợp thì càng khó hơn.
Tạo điều kiện để DN phục hồi trong giai đoạn 2023 - 2024
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội cũng cho rằng hiện chưa phải thời điểm để tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng khuyến nghị trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước.
Cần tránh việc thay đổi các sắc thuế, nhất là thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nhân dân, ít nhất trong giai đoạn cần phục hồi tăng trưởng 2023 - 2024. Trước đó, Luật thuế TTĐB đã 5 lần sửa đổ vào các năm 2003, 2005, 2008, 2014 và 2016.
"Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh, tác động tiêu cực doanh nghiệp", Phó Viện trưởng VEPR nói.