Nếu tăng thuế TTĐB ngay từ năm 2026 thì gánh nặng về thuế, phí, chi phí với doanh nghiệp là rất lớn
Sáng 7/3, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi".
Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho rằng việc đưa mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như Dự thảo Luật (lần 5) cần cân nhắc kỹ lưỡng mức thuế suất, thời gian áp dụng và làm rõ phạm vi đối tượng.
Về tác động của việc đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, dẫn kết quả nguyên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ông Phụng cho biết, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như mía, bán lẻ, bao bì và hậu cần, từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.
Cụ thể, với giả định áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ dẫn tới thiệt hại đối với giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế là khoảng 55.519 tỷ đồng, tương đương với mức sụt giảm 0,164%; tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương với sụt giảm về GDP khoảng 0,448%.
Thông tin thêm về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát, TS. Nguyễn Văn Phụng cho biết, những năm qua, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư nhà máy sản xuất nước ngọt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Trường hợp đầu tư tại các địa bàn được ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Do đó, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này đối với nhiều loại thuế, khoản thu.
Qua xem xét tài liệu hồ sơ Dự án Luật thuế TTĐB, ông Phụng cho biết, Dự án này chưa đáng giá tác động trong bối cảnh: Doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; Các ưu đãi khác cũng sẽ được loại bỏ như: Giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống ngoài việc nộp các loại thuế theo quy định hiện hành sẽ phải chịu thêm các loại phí mới như phí tái chế, xử lý chất thải theo Luật bảo vệ môi trường (áp dụng từ ngày 01/01/2024), các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải đang chuẩn bị bổ sung, việc điều chỉnh tăng giá thuê đất theo thực tiễn các địa phương.
Do đó, ông cho rằng nếu áp dụng ngay mức thuế suất dự kiến 10% từ khi Luật có hiệu lực (năm 2026) thì gánh nặng về thuế, phí, chi phí và sức ép đẩy tăng giá bán, giảm hiệu quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có đường sẽ là rất lớn.

TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn. (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư).
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Phụng kiến nghị Chính phủ xem xét lại và cân nhắc kỹ lưỡng về đề xuất đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB đối với đồ uống là nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml.
Theo ông, cần xem xét việc chỉ áp dụng sắc thuế này đối với các sản phẩm có hàm lượng đường trên 5gram/100 ml theo TCVN hay nên mở rộng với cả các sản phẩm nước giải khát có đường để đảm bảo tính công bằng.
Về mức thuế suất và lộ trình áp dụng, TS. Nguyễn Văn Phụng đề xuất chưa áp dụng sắc thuế này trong hai năm đầu sau khi ban hành luật (từ 2026 - 2027), áp dụng mức thuế suất 5% trong ba năm tiếp theo (2028 - 2030) và bắt đầu áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2031.
Theo chuyên gia, việc áp dụng mức thuế suất theo lộ trình này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, cải tiến công nghệ để thay đổi sản phẩm, điều chỉnh tăng giá bán và giảm thiếu các tác động tiêu cực.
Ngoài ra, tính đến những khó khăn của ngành công nghiệp sản xuất đồ uống khi đưa nước giải khát có đường vào diện áp dụng thuế TTĐB, chuyên gia đề xuất cho phép các doanh nghiệp thuộc ngành này vẫn được bảo lưu các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, các hỗ trợ về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, giảm thuế giá trị gia tăng.
Tổng thu ngân sách có thể tăng năm đầu nhưng sẽ giảm từ năm thứ hai
Đồng quan điểm với cựu lãnh đạo ngành thuế về lộ trình điều chỉnh thuế suất, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB sẽ không giúp đạt được những mục tiêu về bảo vệ sức khỏe và thu ngân sách. Trong khi đó, sức khoẻ doanh nghiệp lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu Quốc hội nhận thấy cần phải bổ sung mặt hàng này nhằm định hướng người tiêu dùng, cần xem xét một lộ trình áp dụng phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị về tài chính hoặc điều chỉnh công thức sản phẩm.
Do đó, GS. TSKH. Nguyễn Mại đề xuất lộ trình tương tự đề xuất của TS. Nguyễn Văn Phụng. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2028 - 2030, Chủ tịch VAFIE đề xuất áp dụng mức thuế suất 5% với toàn bộ các sản phẩm nước giải khát có chứa đường, không phân biệt hàm lượng đường trong sản phẩm có theo TCVN hay không.

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư).
“Nếu nhận định việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa đường là nguyên nhân chính gây ra bệnh thừa cân, béo phì thì cần xem xét lại việc áp dụng thuế TTĐB chỉ đối với một nhóm thực phẩm có chứa đường có giải quyết được căn bệnh này không hay lại gây ra hiểu nhầm là chỉ cần uống bớt nước giải khát chứa đường là có thể phòng được căn bệnh này.
Trong khi đó, việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát mà còn các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng trong đó có cả các doanh nghiệp mía đường, bán lẻ, bao bì, vận chuyển,.... “, ông nêu rõ.
GS.TSKH. Nguyễn Mại cho biết thêm, theo đánh giá của CIEM, việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ dẫn đến thiệt hại cho toàn nền kinh tế khoảng 42.570 tỷ đồng và kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm khoảng 0,56% tương đương với 7.773 tỷ đồng.
Mặt khác, Chủ tịch VAFIE nhận định, tổng thu ngân sách từ thuế có thể tăng trong năm đầu, nhưng từ năm thứ hai trở đi thu ngân sách từ mặt hàng này sẽ giảm.