Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát, GDP có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng
Tác động của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường sẽ khiến quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành nước giải khát đều giảm.
Đây là nhận định được nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu quản lý kinh thế trung ương (CIEM) đưa ra trong báo cáo nghiên cứu "Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường" công bố ngày 17/10.
Theo đó, hiện Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi), trong đó điều chỉnh một số nội dung quan trọng.
Một trong những nội dung được bổ sung tại dự thảo là "mở rộng cơ sở tính thuế", trong đó có quy định "bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB". Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.
Tuy nhiên, theoTS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) nếu áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế.
Cụ thể, giá trị tăng thêm của ngành sản xuất nước giải khát có thể giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng. Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành.
Hệ quả là, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng...
Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng; kết quả tính toán tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng... Chưa kể, với các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm, bà Thảo cho biết.
Theo bà lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cũng sụt 8.773 tỷ đồng, kéo theo thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập lao động giảm lần lượt 2.152 tỷ và 34.534 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo của CIEM, năm đầu tiên áp thuế (2026), nguồn thu từ thuế gián thu (tiêu thụ đặc biệt, VAT) tăng 0,853%. Ở giai đoạn tiếp theo, nguồn thu này giảm 0,495% mỗi năm, tương ứng khoảng 4.978 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Nhị Hà, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tính toán đánh giá kỹ tác động của việc đánh thuế về mặt kinh tế và y tế. Trong đó, cần coi trọng việc điều tiết hành vi người tiêu dùng hơn, sau đó mới đến mục tiêu ngân sách.
Dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy rằng giá bán lẻ tăng 5% khi nước ngọt chịu thuế suất 10%, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tăng thuế TTĐB chỉ là một phần, còn lại phải có các biện pháp khác quan trọng để định hướng hành vi, thay đổi tiêu dùng. Do đó, khi đưa ra một chính sách thuế cần phải cân nhắc tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn.