|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp bỏ giá cao hay định giá đất quá thấp?

07:58 | 04/03/2022
Chia sẻ
Ông Lê Hoàng Châu cho rẳng, phương pháp định giá đất hiện nay chưa sát với mục tiêu kỳ vọng của nhà đầu tư trong tương lai. Nói cách khác, định giá đất phổ biến hiện nay là thấp, nhà đầu tư bỏ giá cao là không vi phạm pháp luật.
Doanh nghiệp bỏ giá cao hay định giá đất quá thấp? - Ảnh 1.

Các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đấu giá hồi cuối năm 2021. (Ảnh: Dân trí).

Chia sẻ tại toạ đàm "Chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất" diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã nêu một số bất cập và kiến nghị liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

Theo vị này, việc các doanh nghiệp đã trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm trung bình tăng gấp hơn 7 lần so với mức giá khởi điểm, cao nhất là gấp 8,3 lần xuất phát từ một số nguyên nhân.

Thứ nhất là cơ chế để thực hiện nguyên tắc Luật Đất đai điều 120 quy định định giá phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Quy định mới định tính chưa định lượng được dẫn tới định giá đất có thể dẫn tới chuyện người định giá đất, người ký văn bản cuối cùng bị truy trách nhiệm cá nhân, rủi ro nghề nghiệp do khiếm khuyết từ cơ chế chính sách.

Trong giai đoạn 2021, giá đất Bắc Giang, Bắc Ninh cũng thường tăng gấp đôi giá khởi điểm nhưng ở TP HCM qua 4 lô đấu giá cho thấy mức trung bình tăng tới 7,9 lần. Cơ chế định giá đất rõ ràng chưa phù hợp.

Chủ tịch HoREA cho biết, Luật Đất đai quy định 5 phương pháp định giá đất, hiện chủ yếu áp dụng phương pháp thặng dư. Phương pháp thặng dư dựa trên hai tổng quan trọng, một là tổng chi phí đầu tư dự kiến của dự án, hai là tổng doanh thu của dự án sau khi thực hiện, lấy doanh thu trừ chi phí đầu tư thì ra giá khởi điểm.

"Quy định pháp luật dựa trên tổng doanh thu dự án hiện không sát thực tiễn, không tính tới doanh thu kỳ vọng của thị trường tương lai. Ví dụ giá bán căn hộ tại khu đất Thủ Thiêm trong 3-5 năm tới dao động từ 600 triệu đồng/m2 sàn nhưng hiện chỉ bán (giá khởi điểm) từ 150-200 triệu đồng/m2.

Phương pháp định giá đất hiện nay chưa sát với mục tiêu kỳ vọng của nhà đầu tư trong tương lai. Nói cách khác, định giá đất phổ biến hiện nay là thấp, nhà đầu tư bỏ giá cao là không vi phạm pháp luật", ông Châu nói.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, thực tế, nói TP HCM áp dụng đúng theo Luật Đấu giá tài sản 2016 là do đang áp dụng điều 40 trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Đấu giá theo hình thức trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá - phương pháp này được cho rằng không phù hợp với quyền sử dụng đất để làm một dự án bất động sản mà chỉ phù hợp khi đấu giá một bức tranh, bình cổ, thanh lý tài sản.

Còn với một khu đất phát triển dự án bất động sản do nhà nước sở hữu thì cần áp dụng tương tự Luật Đấu thầu, cần có đánh giá năng lực của nhà đầu tư, năng lực hoàn thiện sản phẩm sau khi trúng thầu.

Cũng tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng, có khá nhiều bất cập trong vấn đề đấu giá đất. Đầu tiên là cách tiếp cận, bản thân các luật đang có quy định khiến tư duy khác nhau về đất đai.

Cụ thể, Luật Đất đai cho rằng đó là tài sản, nên các địa phương mới chuộng đưa ra đấu giá. Mong giá càng cao càng tốt, càng nhanh càng tốt, đây là bất cập bởi các địa phương chưa tính toán được nếu giá cao thì hệ lụy là gì.

Trong khi đó Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu đưa ra hai điều kiện rằng nhà đầu tư, chủ đầu tư phải có dự án sử dụng đất để xây dựng công trình, quy định về tính khả thi của dự án.

"Chính vì hai luật quy định như vậy nên các địa phương theo luật đất đai. Đây là vấn đề cần quan tâm", vị này nói.

Bất cập thứ hai theo ông Lực là phương thức đấu giá hiện nay mở như vậy, đua nhau đấu giá nhưng lại chưa có hình thức bỏ phiếu kín. Thứ ba là bất cập trong quy định năng lực nhà đầu tư, phương thức huy động vốn của doanh nghiêp cho dự án chưa được đề cập, chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, quy định về tiền đặt cọc 20% so với giá khởi điểm nhưng lại không phải so với giá trúng thầu, cần rà soát lại vấn đề này. Bây giờ bỏ cọc chỉ mất 20% giá khởi điểm nên họ sãn sàng bỏ cọc.

Phương thức định giá còn bất cập, rất khó đưa ra mức giá khởi điểm hợp lý. Ngoài ra, quy trình đấu giá, nộp tiền, quyết toán sau khi trúng thầu cũng là vấn đề cần rà soát.

"Theo tôi, phải tính đến những hệ luỵ và tác động đến đời sống địa phương. Cần sửa đổi luật và quy định liên quan như Luật Đất đai (Điều 108,119,120). Cần rà soát lại Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu những vấn đề liên quan đến điều kiện nhà đầu tư. Hết sức quan tâm đến vấn đề công khai minh bạch.

Chúng ta phải sửa lại quy trình, quy định về phương thức định giá, cơ sở để đưa ra mức định giá. Cần cập nhật để phù hợp với thực tiễn", ông Lực nhấn mạnh.

Công Tâm

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.