Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với khó khăn nào trong năm 2019?
Qũy đất ngày càng khan hiếm
Tại hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản ngày 30/11, ông Sử Ngọc Khương, giám đốc Savills Việt Nam, cho biết hiện tại, sản phẩm bất động sản (BĐS) rất nhiều đồng thời room tín dụng không còn nhiều, do đó không còn chuyện có bong bóng xảy ra.
Theo ông Khương, thị trường không thiếu hàng nhưng giao dịch lại ít lại. Trong thời gian tới doanh nghiệp BĐS phải đối mặt với nhiều rủi ro nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài hoặc quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ.
Bên cạnh đó, ông Khương cho rằng, hiện tại điều lo lắng nhất của thị trường BĐS chính là nguồn cung thiếu hụt. Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp BĐS là câu chuyện quỹ đất chứ không phải câu chuyện vốn.
"Chúng ta đang nhìn thấy bức tranh màu hồng của nền kinh tế và làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào thị trường BĐS Việt Nam. Tuy vậy, việc nhà đầu tư tìm kiếm ở thị trường BĐS Việt Nam là quỹ đất sạch, là sản phẩm mới trên thị trường.", ông Khương cho hay.
Khi các doanh nghiệp huy động nguồn vốn qua sàn chứng khoán thì cũng phải thông qua hoạt động của các dự án, quỹ đất. Ông Khương cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư thông qua mua lại dự án không còn nhiều cơ hội như trước đây vì quỹ đất, nguồn cung sản phẩm trên thị trường khan hiếm.
Trao đổi về vấn đề quỹ đất, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Đầu tư LDG, cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp BĐS đang “đạp chân” lên nhau để tìm kiếm quỹ đất
Trong thời gian 2019-2020, công ty sẽ hạn chế tối đa đầu tư vào BĐS tại TP HCM. Đồng thời, LDG dự kiến đầu tư ở các tỉnh lân cận ở TP HCM như Long An, Bình Dương, Vũng Tàu, Phân Thiết, Cần Thơ.
Theo ông Khang, ở TP HCM và TP Đà Nẵng, tình hình BĐS vẫn chưa sáng cho nên để đảm bảo an toàn, công ty chuyển hướng sang các tỉnh khác.
Hội thảo Tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản ngày 30/11. (Ảnh: MA). |
Van tín dụng sẽ hẹp hơn trong năm 2019
Tại hội thảo, Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho biết trong năm 2018, tổng quy mô thị trường bất động sản vào khoảng 25 tỉ USD, trong khi đó dòng vốn đổ vào bất động sản (BĐS) chiếm 80% tương đường gần 20 tỷ USD.
Theo ông Tín, bất động sản chiếm 6,5% tổng dư nợ nền kinh tế và chiếm khoảng 16% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Với những số liệu này thì cơ cấu vốn chảy vào BĐS hiện nay đang mất cân bằng và chứa rất nhiều rủi ro.
Dự báo cho năm 2019, ông Tín cho biết tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% xuống 40%. Đồng thời, tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay BĐS từ 150% lên 200%. Điều này sẽ khiến van tín dụng vào BĐS hẹp hơn.
Hiện, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) đang kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên mức 45%, tuy nhiên vẫn chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ phía NHNN.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 41, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) dự kiến giảm từ 9% xuống 8% theo Basel II, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tuy chỉ số CAR giảm nhưng các điều kiện quy định trong Basel II khắt khe hơn, có liên quan đến tổng tài sản có, rủi ro về lãi suất, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Trong đó, tổng tài sản có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS.
Theo ông Tín, thị trường BĐS sẽ đón nhận thách thức khi dòng vốn từ ngân hàng ngày càng siết chặt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ hội từ những dòng vốn khác như FDI hay thị trường chứng khoán,...