Đoàn chuyên gia Mỹ đến Việt Nam nghiên cứu vacxin dịch tả heo châu Phi
Cục Thú y đã gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét một số đề nghị. Trong đó, Cục Thú y đề nghị Mỹ chuyển giao giống virus đã nghiên cứu thành công và cắt bỏ gen độc cho Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất vacxin dịch tả heo Châu Phi.
Việt Nam đã gửi Mỹ 20 mẫu virus dịch tả heo Châu Phi phân lập tại 17 tỉnh. Vì vậy, Cục Thú y đề nghị phía Mỹ sử dụng mẫu virus này để nghiên cứu phát triển vacxin dịch tả heo Châu Phi.
Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng đề xuất Mỹ hỗ trợ xây dựng qui trình đánh giá chất lượng vacxin để Việt Nam ban hành tiêu chuẩn kiểm nghiệm sau khi nghiên cứu thành công bao gồm nội dung tập huấn chuyên môn cho các cán bộ của Việt Nam.
Cục Thú y cũng kiến nghị cho phép Cục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Mỹ kí thỏa thuận và dự án hợp tác kĩ thuật về nghiên cứu phát triển vacxin dịch tả heo Châu Phi.
Bên cạnh đó, đoàn công tác của Mỹ cũng sẽ làm việc với doanh nghiệp chăn nuôi có tiềm năng của Việt Nam.
Virus dịch tả heo Châu Phi là tác nhân gây bệnh cho heo với tỉ lệ chết cao, gây tổn hại đến ngành chăn nuôi. Bệnh này đang tàn phá ngành chăn nuôi vùng Trung Âu và Đông Nam Á. Chủng virus đang lưu hành hiện nay có nguồn gốc từ chủng Georgia năm 2007.
Vì chưa có vacxin phòng bệnh hiệu quả nên biện pháp kiểm soát chủ yếu vẫn tiêu hủy heo bệnh.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 5.982.679 con, tổng trọng lượng là 341.957 tấn.
Trong đó, tháng 12/2019 đã buộc phải tiêu hủy 38.172 con, giảm 97% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con heo).
Bước sang tháng 1/2020 lượng heo buộc phải tiêu hủy là 12.037 con, giảm 99% so với tháng 5/2019. Tính đến ngày 2/2/2020), số lượng heo buộc phải tiêu hủy chỉ còn là 607 con.
Đã có 8.031 xã (chiếm 93,7% tổng số xã có dịch) đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ca bệnh mới. Bên cạnh đó, có 22 tỉnh, thành phố có 100% số xã đã qua 30 ngày; 32 tỉnh, thành phố có 85% số xã đã qua 30 ngày.
Hiện nay, cả nước chỉ còn 539 xã (chiếm 6,3% tổng số xã có dịch) chưa qua 30 ngày.