|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ

11:11 | 13/07/2021
Chia sẻ
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục là nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 4 tỷ USD, cao hơn gần 2 lần so với nhà cung cấp lớn thứ hai là Trung Quốc.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sau đại dịch COVID-19.

Theo số liệu của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước này trong 5 tháng đầu năm đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 33% so với 5 tháng đầu năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Trong đó, Việt Nam là nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho thị trường Mỹ với kim ngạch đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 40% trong tổng nhập khẩu nhóm hàng này của Mỹ.

Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam cũng cao hơn gần 2 lần so với nhà cung cấp lớn thứ hai là Trung Quốc, dù thị trường này đang có dấu hiệu tăng trở lại sau 2 năm sụt giảm liên tiếp.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, Mỹ cũng tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các nhà cung cấp khác như: Malaysia tăng 61%, Mexico tăng 71%, Canada tăng 15,2%...

Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Số liệu từ dataweb.usitc.gov. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Ghế khung gỗ, đồ nội thất bằng gỗ phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất bằng gỗ trong phòng ngủ là 3 mặt hàng được Mỹ nhập khẩu nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm nay.

Hiện Việt Nam đang là nguồn cung chủ yếu các mặt hàng kể trên cho thị trường Mỹ, với thị phần chiếm từ 38% - 50% trong tổng nhập khẩu của Mỹ và nhìn chung kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này vào Mỹ đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ được cho là sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới với động lực chính là sự phục hồi của thị trường nhà ở tại Mỹ.

Trong tháng 5/2021, số nhà chờ bán tại Mỹ tăng mạnh 8% so với tháng trước và tăng tới 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Mới đây, IMF cũng đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay lên mức 7% và 4,9% vào năm 2022, cao hơn 2,4 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.

Nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ và thị phần của Việt Nam

Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ - Ảnh 2.

Số liệu từ dataweb.usitc.gov. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến các đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam

Trước đây, Trung Quốc luôn duy trì vị trí số 1 về nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ, nhưng tình hình đã nhanh chóng thay đổi khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào năm 2018.

Việc Chính phủ Mỹ áp thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với hầu hết loại đồ nội thất từ Trung Quốc đã khiến các đơn hàng nhập khẩu từ thị trường này giảm sút nghiêm trọng trong năm 2019 và năm 2020.

Không những thế, Mỹ cũng áp thuế chống bán phá giá từ 50% đến hơn 200% đối với một số một số công ty sản xuất đồ gỗ của Trung Quốc.

Do đó, kim ngạch nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Trung Quốc sau khi đạt mức đỉnh 9,3 tỷ USD trong năm 2018 đã giảm mạnh xuống còn 6,3 tỷ USD trong năm 2019 và chỉ còn 4,3 tỷ USD trong năm 2020.

Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ - Ảnh 3.

Số liệu từ dataweb.usitc.gov. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Trong khi đó, cùng giai đoạn trên các đơn hàng từ Mỹ đã chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn cung ứng khác tại khu vực Đông Nam Á. Điều này được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ từ Việt Nam và Malaysia từ năm 2019 đến nay luôn vượt trội so với các nguồn cung khác vào Mỹ.

Năm 2020 đánh dấu việc Việt Nam vượt qua Trung Quốc để vươn lên đứng đầu về nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ cho thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 7,1 tỷ USD, tăng 32,2% so với năm 2019 và tăng 75,4% so với năm 2018.

Theo các nhà phân phối Mỹ, khi Chính phủ Mỹ áp thuế lên nội thất Trung Quốc, các nhà nhập khẩu và phân phối tại Mỹ đã tìm kiếm các nhà cung cấp mới và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu.

Đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Mỹ - Ảnh 4.

Số liệu từ dataweb.usitc.gov. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Thận trọng với rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), giá trị xuất khẩu của ngành gỗ tăng mạnh, trong 2 năm trở lại đây, là một điều đang mừng, nhưng cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro do giá trị xuất khẩu tăng ở các mặt hàng mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc.

Vào đầu tháng 5 vừa qua, Viforest đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm gỗ rủi ro như tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Theo Viforest, nhiều doanh nghiệp thành viên phản ánh thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Việc nhập khẩu này thông qua các hình thức như công ty Việt Nam thành lập mới hoặc mới hoạt động trong khoảng 1-2 năm gần đây, nhập khẩu mặt hàng bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, sau đó gia công, lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh nhưng hàm lượng gia công rất ít để xuất khẩu sang Mỹ.

Công ty Việt Nam nhập bộ phận các mặt hàng có yếu tố rủi ro về Việt Nam, mua bán lòng vòng qua các công ty khác nhau, các bộ phận mặt hàng này sau sẽ tập hợp lại một công ty để lắp ráp và lấy danh nghĩa sản phẩm sản xuất của mình để xuất khẩu sang Mỹ.

Trong 2 năm trở lại đây, Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, bằng biện pháp áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55 - gần 200% đối với một số mặt hàng như gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ,… 

Với việc kiểm soát này, khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc chuyến hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.

Hoàng Hiệp