|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

DNNY thép Việt ở đâu trong cơn bão kiện bán phá giá?

12:25 | 11/10/2016
Chia sẻ
Mỹ và châu Âu nghi ngờ thép Việt bị thép Trung Quốc mạo danh, Úc điều tra chống bán phá giá và Thái Lan áp thuế 310%, liên tiếp những thông tin bất lợi cho ngành thép Việt xuất hiện.

Vào đầu tháng 8/2016, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, nghi ngờ số lượng thép (trị giá khoảng 19 triệu USD) nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013 - 2014 mang theo C/O Việt Nam do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp là của doanh nghiệp Trung Quốc bán vào Việt Nam để doanh nghiệp Việt Nam xuất sang châu Âu.

Sau châu Âu, doanh nghiệp Mỹ cũng đưa đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam.

Nguyên nhân được đưa ra là do sau khi tiến hành điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với cùng chủng loại sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và một số quốc gia/vùng lãnh thổ khác, DOC đã ban hành lệnh áp thuế với Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là 199,43% và mức thuế chống trợ cấp là 241,43%.

Theo đó, lượng xuất khẩu của Trung Quốc đối với sản phẩm này sang Mỹ giảm đi rõ rệt, tuy nhiên xuất khẩu từ Việt Nam sang lại tăng đột biến. Nghi ngờ có sự dịch chuyển lẩn tránh thuế, các doanh nghiệp Mỹ đã yêu cầu DOC khởi xướng điều tra và hoãn việc thanh toán các chuyến hàng nhập khẩu sản phẩm thép mạ từ Việt Nam, yêu cầu khoản tiền đặt cọc với các chuyến hàng này ở mức bằng với mức thuế AD và CVD đối với sản phẩm từ Trung Quốc.

Trước đó, doanh nghiệp Mỹ cũng đã kiện sản phẩm thép cán nguội nhập từ Việt Nam với cùng lý do trên.

Chưa biết kết quả điều tra ra sao nhưng những thông tin này rõ ràng đã ảnh hưởng đến lượng đơn đặt hàng và uy tín của các thương hiệu thếp Việt nhập vào các thị trường lớn. Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp tại thị trường thép tấm Mỹ đã và đang hủy đơn đặt hàng đối với sản phẩm cuộn cán nguội và tấm mạ kẽm của Việt Nam.

Ngoài ra, Ủy ban chống bán phá giá Úc cho biết đã tiếp nhận đơn yêu cầu điều tra áp thuế chống phá giá và trợ cấp đối với mặt hàng thép mạ hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam trong khi Thái Lan áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép không gỉ nhập từ Việt Nam với mức thuế 310,74% và điều tra chống bán phá giá với sản phẩm tôn lạnh Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu sắt thép các loại trong 8 tháng đầu năm của nước ta đạt 1,6 triệu tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt giá trị 1,2 tỷ USD, giảm 14,2%; giảm là do các vụ kiện chống bán phá giá đưa ra ngày càng nhiều.

DNNY thép Việt nào có thể bị ảnh hưởng?

Trong các doanh nghiệp thép Việt niêm yết, HSG và NKG là có xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Thái Lan và Châu Âu cũng như tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn; còn lại đa phần xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia.

Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã xuất khẩu sản phẩm thép, tôn đi 60 quốc gia, trong đó tại Mỹ, Canada, Thái Lan hay châu Âu đều có kênh phân phối. Doanh thu xuất khẩu chiếm đến 40% cơ cấu doanh thu toàn Tập đoàn.

Theo báo cáo cập nhật của CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBS), HSG cho biết chưa có bằng chứng rõ ràng tôn mạ của Công ty sẽ bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ và cho dù có thì sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của Công ty. Đồng thời, Công ty có thể sẽ chuyển sang thị trường khác với biên lợi nhuận cao hơn. Với thị trường Thái Lan thì Công ty đã ngưng xuất khẩu sản phẩm tôn lạnh ngay khi khởi xướng điều tra.

Cùng với HSG, Thép Nam Kim (HOSE: NKG) cũng có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn với các thị trường chính là Indonesia, rồi đến Malaysia, Thái Lan, Mỹ, Canada và Nam Mỹ. Năm 2015, Công ty cho biết đã thành công trong việc xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường chất lượng cao như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Phi với mục tiêu đa dạng hóa thị trường ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống tại khu vực Đông Nam Á.

Cho nên, tỷ trọng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường mới tăng mạnh so với 2014, trong đó tỷ trọng xuất khẩu tính riêng mặt hàng tôn mạ đã chiếm 70% tổng sản lượng hàn tôn mạ bán ra. Mục tiêu trong năm 2016 là tỷ trọng xuất khẩu sẽ chiếm khoảng hơn 60% tổng doanh thu.

Đối với tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa, còn xuất khẩu chỉ chiếm một phần rất nhỏ, mỗi năm xuất khoảng 35.000 tấn sản phẩm thép vào Lào, Campuchia… Mục tiêu trong năm 2016 là xúc tiến mạnh hơn việc đưa hàng sang các nước Đông Nam Á.

Tương tự, tỷ trọng xuất khẩu của Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC), Thép Pomina (HOSE: POM), Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) cũng thấp chỉ khoảng 15 - 18% tổng sản lượng tiêu thụ, thị trường cung cấp chính là Campuchia và các nước lân cận như Indonesia, Malaysia…

Trong khi VSG, VIS, Công nghiệp Tung Kuang (HNX: TKU) và Thép DANA – Ý (HNX: DNY) chỉ phát triển thị trường nội địa.