Điều hành lãi suất phù hợp tạo điều kiện các tổ chức tín dụng giảm lãi suất
Trả lởi kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, về việc giảm lãi suất thêm đến 2% trở lên đối với khoản vay mới và vay hiện hữu đối với từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau (hiện mức giảm cao nhất là 1%), Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định, giảm lãi suất.
Theo Ngân hàng Nhà nước việc giảm lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu là do các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt….
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng vẫn đang phải trả lãi đối với các khoản được huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư (dùng làm nguồn cho vay). Việc hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tổ chức tín dụng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 nên cũng là một khó khăn của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, việc điều hành lãi suất cần đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ và nằm trong tổng thể mục tiêu chính sách tiền tệ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định, giảm lãi suất. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dần vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, với các giải pháp mạnh, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã 2 lần giảm lãi suất trong quý IV/2019. Ngân hàng Nhà nước cũng giảm thêm 2 lần các mức lãi suất điều hành (tháng 3 và 5/2020) với quy mô tương đối lớn và liên tục.
Nhờ đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2019 (tính từ tháng 9/2019, trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm).
Việc điều chỉnh giảm mạnh trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên về mức 5%/năm, sát với lãi suất huy động ngắn hạn của tổ chức tín dụng, thể hiện thông điệp mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Theo công bố của IMF (03/2020), lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%, tương đương Philippines (7,13%), thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực như Indonesia (10,01%), Mông Cổ (16,81%), Bangladesh (9,62%), Ấn Độ (9,4%), Myanmar (16%).