|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều gì khiến dòng tiền chảy vào các quỹ ETF vàng cao nhất hai năm?

09:12 | 16/08/2024
Chia sẻ
Theo Nikkei Asia, tiền đang đổ vào thị trường vàng trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng về Mỹ sớm giảm lãi suất, rủi ro địa chính trị và nhu cầu đầu tư ngắn hạn tăng cao. Trong đó, dòng tiền ròng chảy vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng (ETF) trong tháng 7 đạt mức cao nhất trong hai năm.

Giá vàng tương lai tại New York đã đạt mức cao mới là 2.522,5 USD/ounce vàng vào ngày 2/8 và mở cửa phiên giao dịch thứ Năm tuần này (15/8) ở mức gần 2.500 USD.

Số dư tài sản của SPDR Gold Shares, một quỹ ETF vàng lớn, tính đến ngày 9/8 là 846,6 tấn, tăng khoảng 1,4 tấn so với tuần trước đó và tăng 14,6 tấn so với cuối tháng 4.

Các quỹ ETF mua ròng 48,5 tấn vàng, tương đương 3,7 tỷ USD, theoHội đồng Vàng Thế giới.

Đây là mức cao nhất kể từ mức kỷ lục 185,4 tấn thiết lập hồi tháng 3/2022, sau khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Trong đó, lượng mua vào từ khu vực Bắc Mỹ đặc biệt lớn. Các quý ETF bán ròng 35 tấn vào tháng 1 và 2 nhưng sau đó mua ròng 25,7 tấn chỉ tính riêng trong tháng 7.

Tại châu Âu, lượng bán ròng là 52,1 tấn vào tháng 4 nhưng sau đó là chuỗi 3 tháng mua ròng liên tiếp. 

Trong tháng 7, tất cả khu vực trên thế giới đều ghi nhận mua ròng vàng. Điều này khác với tháng 6, chỉ có châu Á và châu Âu ghi nhận mua ròng. 

Phân tích xu hướng theo quý, từ tháng 4 đến tháng 6 đánh dấu quý thứ 9 liên tiếp có dòng tiền ròng chảy ra. Các số liệu mới nhất cho thấy sự đảo ngược trong xu hướng bán ròng kéo dài này.

Kỳ vọng Mỹ sớm giảm lãi suất là một trong những nguyên nhân chính của việc đảo ngược xu thế này. Theo truyền thống, giá vàng có xu hướng tương quan nghịch với lãi suất dài hạn và sức hấp dẫn của vàng, vốn không tích lũy lãi suất, đang tăng lên.

Vàng được mua sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022, ngay cả khi lãi suất tăng, do nhu cầu bảo toàn tài sản. Bây giờ nhiều người kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hạ lãi suất để ứng phó với những lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế, việc mua vào của các nhà đầu tư tổ chức nhạy cảm với lãi suất ở Châu Âu và Mỹ đang gia tăng động lực

Mối lo ngại về một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông cũng đang hỗ trợ dòng vốn chảy vào vàng. Nguy cơ Iran tấn công Israel ngày càng tăng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh vào tháng trước tại Tehran. Rủi ro địa chính trị đang thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng, được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Trước đây, việc mua vàng trong thời kỳ khủng hoảng thường khiến giá giảm đột ngột sau khi tăng mạnh, nhưng một số người cho rằng mức tăng mạnh ban đầu không còn là hiện tượng tạm thời nữa.

"Có kỳ vọng mạnh mẽ rằng giá vàng sẽ tăng trong tương lai do sự dịch chuyển sang lãi suất thấp hơn ở Mỹ, dẫn đến việc mua vào khi giá giảm", Koichiro Kamei, chủ tịch Viện Chiến lược Thị trường Nhật Bản cho biết. "Số lượng người mua rõ ràng đã tăng lên do thu nhập tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ".

Nhiều người đang tập trung vào tiềm năng mua liên tục được kích hoạt bởi rủi ro địa chính trị. Một cuộc xung đột toàn diện giữa Iran và Israel sẽ tiếp tục đẩy giá vàng lên cao.

Sự biến động của thị trường chứng khoán Mỹ cũng giúp các quỹ dễ dàng đổ tiền vào vàng như một tài sản thay thế. "Vàng là một trong số ít tài sản có thể tăng giá, dòng tiền đầu tư không có nơi nào khác để đi đang chảy vào", nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima cho biết.

Dòng tiền ngắn hạn cũng là một yếu tố. Theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ, tổng lượng mua vàng tương lai ròng đạt khoảng 285.000 hợp đồng tính đến ngày 16/7, mức cao nhất trong hơn 4 năm.

Dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy lượng vàng mà các ngân hàng trung ương lớn mua vào trong nửa đầu năm 2024 là cao nhất từ trước đến nay ở mức 483,3 tấn. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nhu cầu về vàng vật chất rất lớn như một phương tiện để bảo vệ tài sản trước tình trạng tiền tệ yếu và lạm phát.

Mặc dù có áp lực bán khi giá vàng dao động quanh mức cao kỷ lục, nhưng vẫn có rất nhiều yếu tố thúc đẩy mua vào và nhiều người dự đoán giá vàng sẽ vẫn ở mức cao trong thời điểm hiện tại.

 

H.Mĩ

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.