Điều gì 'đánh thức' cổ phiếu ngành phân bón?
Dẫn đầu đà phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu ngành phân bón là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, Mã: DCM) khi kết phiên giao dịch ngày 21/8, giá cổ phiếu DCM đạt mức 9.030 đồng/CP, tăng 70% so với mức đáy 5.300 đồng/CP từ cuối tháng 3.
Tiếp đến là cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ, Mã: DPM) với mức tăng 51% trong 5 tháng qua.
Cán mốc 14.600 đồng/CP sau gần một năm quanh quẩn ở mức 10.000 -12.000 đồng, cổ phiếu BFC của CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) cũng cho thấy dấu hiệu phục hồi. Kết phiên giao dịch ngày 21/8 cổ phiếu BFC tăng 46% so với mức đáy cuối quí I.
Lí giải về sức hấp dẫn nhà đầu tư của nhóm cổ phiếu ngành phân bón trong thời gian gần đây, Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, bên cạnh việc cổ tức tiền mặt được chia đều đặn hàng năm, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón khởi sắc do giá nguyên vật liệu liên tục giảm mạnh từ đầu năm là một điểm cộng lớn.
Hưởng lợi nhờ giá dầu giảm
Quí II, doanh thu Đạm Cà Mau đạt 1.930 tỉ đồng, giảm 3,5% nhưng lãi ròng quí II tăng 137% so với cùng kì, đạt 266 tỉ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu DCM đạt 3.276 tỉ đồng, giảm 5% nhưng lợi nhuận sau thuế là 360 tỉ đồng, tăng 20% so với nửa đầu năm 2019.
Tương tự, Đạm Phú Mỹ cũng cho thấy tình hình kinh doanh khởi sắc không kém với lợi nhuận gần cán đích kế hoạch cả năm chỉ sau 6 tháng.
Riêng quí II, Đạm Phú Mỹ đạt doanh thu thuần 2.178 tỉ đồng và 308 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 13% và 749% so với cùng kì năm 2019.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, DPM đạt 3.876 tỉ đồng doanh thu và 415 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 11% và 361% so với cùng kì.
Tình hình hoạt động kinh doanh của Phân bón Bình Điền cũng tăng trưởng mạnh mẽ trong quí II với lãi trước thuế gấp 5 lần cùng kì, đạt hơn 88 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 1.063 tỉ đồng doanh thu và 96 tỉ đồng lãi trước thuế, tương ứng giảm 15% và tăng 289% so với nửa đầu năm 2019.
Theo VDSC, giá nguyên vật liệu giảm mạnh trong khi giá bán vẫn duy trì ở mức tốt đã giúp biên lợi nhuận gộp của BFC cải thiện từ 9,8% lên 14%. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, tình hình kinh doanh của Phân bón Bình Điền vẫn sẽ có tín hiệu lạc quan do tiếp tục được hưởng lợi từ việc giá nguyên vật liệu giảm.
Sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, dòng tiền có chuyển biến tích cực
Tính đến 30/6, Đạm Phú Mỹ nắm giữ 4.456 tỉ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 38% tổng tài sản. Con số này tại Đạm Cà Mau và Phân bón Bình Điền lần lượt là 2.466 tỉ đồng và 305 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng tương ứng 26% và 9% tổng tài sản.
Mặt khác, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành cũng cho thấy các dấu hiệu chuyển biến tích cực. Cụ thể, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau thay đổi từ âm 158 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019 thành dương 277 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020.
Đạm Phú Mỹ cũng kiểm soát tốt dòng tiền này khi đạt 660 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm so với con số 632 tỉ đồng cùng kì năm trước.
Riêng Phân bón Bình Điền ghi nhận dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 65 tỉ đồng (so với mức dương 4 tỉ cùng kỳ năm 2019). Theo đó, chỉ số khả năng thanh toán của Bình Điền cũng sụt giảm so với cùng kì năm trước.
Kì vọng chính sách "gỡ khó" ngành phân bón bù mức sụt giảm sức cầu
Không chỉ chịu tác động khép của dịch bệnh và sự biến đổi khí hậu như các doanh nghiệp cùng ngành khác trên thế giới, ngành phân bón Việt Nam hiện đang đối mặt với nghịch cảnh "hỡi ơi" khi nhập khẩu phân bón tăng trong lúc thị trường nội địa dư cung.
Việc toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào không được khấu trừ đã làm đội lên chi phí sản xuất kinh doanh khiến giá phân bón tăng hơn 5%, dẫn đến sản phẩm của doanh nghiệp nội địa giảm ưu thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 6320 đến Bộ Công thương, trong đó nêu rõ: "Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT theo qui định.
Trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% để trình các cấp có thẩm quyền trong thời điểm thích hợp".
Như vậy, ròng rã suốt 6 năm kiến nghị, các doanh nghiệp phân bón đã nhận được câu trả lời rõ ràng từ Bộ Tài chính về việc đồng tình sửa đổi chính sách thuế cho ngành phân bón.
Điều này phần nào đã giúp các cổ đông ngành phân bón có cách nhìn lạc quan hơn về triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới, nhờ đó, cổ phiếu ngành phân bón vẫn có thể có dư địa tăng cao khi được nhà nước "gỡ khó".