|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân bón chờ gỡ khó về thuế

09:28 | 01/07/2020
Chia sẻ
Trong khi các ngành khác muốn miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thì các doanh nghiệp ngành phân bón lại 6 năm ròng kiến nghị đánh thuế GTGT với mặt hàng này từ 0% lên 5%.

Cuối tháng 5, Bộ Tài chính có Công văn số 6320 gửi Bộ Công thương, trong đó nêu rõ: “Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT theo qui định, trong đó có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% để trình các cấp có thẩm quyền trong thời điểm thích hợp”.

Như vậy, ròng rã suốt 6 năm kiến nghị, các doanh nghiệp phân bón đã được Bộ Tài chính, đầu mối chủ trì dự thảo các văn bản pháp luật liên quan đến chính sách thuế, lần đầu tiên trả lời một cách rõ ràng về việc đồng tình sửa đổi chính sách thuế cho phân bón, vốn gây ra nhiều hệ lụy với các doanh nghiệp phân bón và người tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước.

Cổ đông của các công ty phân bón có phần hi vọng doanh nghiệp phân bón sẽ bớt khó hơn.

Tuy nhiên, Tổng thư kí Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) Phùng Hà chia sẻ, Công văn của Bộ Tài chính chưa tạo được sự yên tâm cho Hiệp hội và các doanh nghiệp phân bón vì câu hỏi đặt ra là “thời điểm thích hợp” Bộ Tài chính nêu là khi nào?

“Các bộ, ngành đều ủng hộ việc sửa đổi luật liên quan đến chính sách thuế nhằm gỡ khó cho ngành phân bón, theo đánh giá chung là đang trong ở thời điểm khó khăn nhất trong mấy chục năm gần đây. Vì thế, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật 71 trong thời gian càng sớm càng tốt”, ông Hà nói.

Ngày 26/11/2014, Quốc hội khoá XIII, kì họp thứ 8 đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, theo đó chuyển phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT.

Hệ quả là toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất - kinh doanh phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh, làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5 - 7,6%, suy giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông... là những thị trường phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp.

Theo số liệu thống kê, tháng 1/2015, ngay sau khi luật thuế có hiệu lực thì sản lượng phân bón nhập khẩu tăng lên đột biến, urea nhập khẩu tăng 77%, DAP nhập khẩu tăng 8,5 lần so với tháng 1/2014. Sản lượng tồn kho của doanh nghiệp trong Tập đoàn Dầu khí cuối năm 2015 tăng mạnh so với cùng kì, tồn kho phân đạm ure tăng 3 lần, tồn kho phân DAP tăng 23 lần.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 930.000 tấn phân bón, nhưng lượng nhập khẩu là hơn 4 triệu tấn.

Năm 2020, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó tổng giám đốc CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) cho biết, sản phẩm của Nhà máy Đạm Cà Mau bán ở cửa nhà máy mới có lãi, nếu vận chuyển ra miền Bắc và miền Trung với chi phí vận chuyển khoảng 450.000 đồng/tấn, tương đương 20 USD/tấn thì không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Phân đạm vận chuyển từ Malaysia về Việt Nam chi phí chỉ 15 USD/tấn.

Thời điểm năm 2015, khi chính sách thuế GTGT với phân bón có hiệu lực, bà Hiền đang công tác tại Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), doanh nghiệp cũng chịu tổn thất lớn do chính sách bỏ mặt hàng phân bón ra khỏi đối tượng chịu thuế GTGT.

Theo DPM, các hoạt động đầu tư xây mới cơ sở sản xuất phân bón (toàn bộ thuế GTGT đầu vào của máy móc thiết bị, xây lắp…) không được khấu trừ thuế sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tác động tiêu cực trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của dự án.

DPM và DCM là hai doanh nghiệp chiếm đến 70% thị phần phân bón cả nước. Mỗi năm, DCM không được khấu trừ gần 350 tỉ đồng tiền thuế.

DPM từ năm 2015 đến nay không được khấu trừ 1.637 tỉ đồng tiền thuế. Các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam không được khấu trừ khoảng 3.646 tỉ đồng tiền thuế (năm 2015: 825 tỉ đồng, năm 2016: 588,8 tỉ đồng, năm 2017: 755,5 tỉ đồng, năm 2018: 767,7 tỉ đồng, năm 2019: 708,8 tỉ đồng).

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang hạch toán toàn bộ chi phí này vào chi phí sản xuất, vào giá thành sản phẩm, khiến khách hàng - người nông dân chịu thiệt.

Để có sự bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa chương trình sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 0 - 5% vào kỳ họp Quốc hội thứ 7, Quốc hội khóa 14.

Các doanh nghiệp phân bón thuộc Tập đoàn Dầu khí đã nhiều lần đề xuất đưa phân bón sản xuất trong nước vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 0%, hoặc quay trở lại thuế suất 5% như trước.

Tuy nhiên, với văn bản trả lời của Bộ Tài chính nêu trên, thì không rõ thời gian nào dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT mới được Bộ Tài chính hoàn tất và trình Quốc hội.

Thu Hương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.