|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Miễn thuế VAT cho doanh nghiệp phân bón: Lợi bất cập hại!

11:48 | 28/05/2020
Chia sẻ
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, rất nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về những bất cập khó khăn khi được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT). Ở góc độ này, các nhà hoạch định chính sách đã không lường được, tưởng rằng miễn thuế có lợi nhưng hóa ra lại gây khó khăn, bất lợi cho doanh nghiệp.

Ngày 26/11/2014, Quốc hội thông qua Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71), theo đó, từ ngày 1/1/2015 các mặt hàng: Phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra.

Trong những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. 

Chủ trương này hướng đến mục đích vừa giúp Chính phủ điều tiết cung - cầu khi thị trường phân bón có biến động, vừa giảm giá bán cho nông dân thông qua việc giảm thuế đối với phân bón. Việc ban hành Luật thuế 71 cũng là nhằm cụ thể hóa chủ trương trên.

Miễn thuế VAT cho doanh nghiệp phân bón: Lợi bất cập hại! - Ảnh 1.

Luật thuế 71 đã có những tác động “ngược”

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, lợi chưa thấy đâu nhưng các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã “ngấm đòn” khó khăn do tác động không mong muốn của Luật thuế này. Luật thuế 71 đã có những tác động “ngược” làm hạn chế sản xuất, kinh doanh, cũng như các dự án đầu tư sản xuất phân bón…

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, ước tính khi thực hiện Luật 71 (bắt đầu từ ngày 1/1/2015) thì giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6.1%.

Cùng với đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, số thuế giá trị không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón năm 2018 rất lớn. Cụ thể, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc số thuế VAT không được khấu trừ trên 141 tỷ đồng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao 142 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 113 tỷ đồng; Công ty CP Lân Ninh Bình, Công ty CP Phân lân Nung chảy Văn Điển, Công ty CP Phân bón miền Nam cũng dao động từ 3 đến 50 tỷ đồng.

Như vậy, việc quy định phân bón không thuộc đối tượng chịu VAT không những không tạo điều kiện cho người nông dân được hưởng giá phân bón thấp mà vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, tăng sức ép đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. 

Đây là thiệt thòi lớn cho ngành công nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và lãng phí nguồn lực xã hội.

Trao đổi với phóng viên Petrotimes về nghịch lý trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp xin được đóng thuế VAT vì các chi phí khác trong quá trình sản xuất sẽ được khấu trừ, còn không đóng thì họ không được khấu trừ mà còn phải nộp thêm. Việc này doanh nghiệp đã “kêu” bao năm nay, không riêng gì doanh nghiệp phân bón mà kể cả các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên, bao năm vẫn không có sự thay đổi.

“Khi đưa vấn đề này vào luật, các nhà làm chính sách không lường được, tưởng rằng miễn thuế có lợi cho doanh nghiệp nhưng hóa ra lại gây khó khăn, bất lợi. Miễn giảm thuế VAT ở nước ta đang đi ngược với nhiều nước trên thế giới”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) cùng với các yếu tố về giống, thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp… thì phân bón đóng góp tới trên 40% cho việc nâng cao năng suất cây trồng. Bởi thế, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách thuế cần có sự thay đổi để phù hợp với tình hình và đúng với định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón của Chính phủ.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước rất cần sự hỗ trợ về cơ chế chính sách mà đúng hơn đó là sự cạnh tranh công bằng giữa sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước, cùng với đó là phát triển các sản phẩm có chất lượng tốt, tính năng đặc thù dựa trên việc sử dụng công nghệ cao để các doanh nghiệp luôn là đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và của phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

Trước đó, tại một cuộc hội thảo liên quan đến Luật thuế 71, ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng đưa ra giải pháp là cần có một đánh giá cụ thể về những tác động của Luật thuế 71 tới ngành phân bón trong nước, tới doanh nghiệp và nông dân như thế nào. 

Khó khăn của doanh nghiệp hiện nay ngoài do Luật thuế 71, tác động bên ngoài từ việc giá phân bón thế giới giảm, liệu còn có nguyên nhân nào khác như công nghệ, quản trị doanh nghiệp...? Do đó, cần có phân tích trên cơ sở khoa học để Chính phủ có thể làm thủ tục trình Quốc hội sửa luật.

Bên cạnh những khó khăn nội tại thì thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành phân bón phải đối mặt thêm hàng loạt khó khăn mới. Như một cơ thể ốm yếu cần có thuốc chữa trị kịp thời, việc Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi Luật thuế 71 được ví như liều thuốc quý giúp doanh nghiệp phân bón trong nước sớm ổn định và tăng trưởng, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.


Minh Loan

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.