|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì đang xảy ra với yen Nhật?

10:38 | 01/04/2022
Chia sẻ
6 năm rồi người ta mới lại thấy đồng yen (JPY) thấp đến vậy.

Đa số các nước phát triển đều đã nâng lãi suất đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục siết chặt tiền tệ để chống lạm phát. Trong khi đó Ngân hàng trung ương Nhật lại đi ngược xu thế, tái khẳng định tiếp tục giữ lãi suất thấp.  

Về cơ bản, lãi suất chính là giá của quyền sử dụng đồng tiền. Để ứng phó đại dịch Covid, tất cả các nước đều hạ lãi suất xuống thấp, mở ra thời kỳ “tiền rẻ” bùng nổ.

Ngược lại, khi Nga bị phương Tây trừng phạt kinh tế, đồng ruble đã rớt không phanh từ mức 1 USD ăn khoảng 80 ruble xuống còn 120 rubble chỉ trong 10 ngày. Phải mất gấp rưỡi lượng rubble để đổi lấy một lượng USD như trước nghĩa là đồng rubble đã mất giá khoảng 50%.

Giải pháp mà Nga đã làm là nâng lãi suất… gấp đôi từ 9,5% lên 20% !! Nhờ vậy, đà giảm thu hẹp và đến 29/03 còn khoảng hơn 90 ruble cho 1 USD.

Quay lại câu chuyện với đồng yen Nhật. Mục tiêu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ - Bank of Japan) là vùng lãi suất cho kỳ hạn 10 năm ở mức 0,25%. Trong khi đó, Fed, ngân hàng trung ương Mỹ, đã nâng lãi suất lên vùng 0,25% - 0,5%. Mà lãi suất Fed bản chất là lãi suất qua đêm (overnight) còn lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã chạm 2,5%.

Khi chính sách tiền tệ hai nước Mỹ - Nhật bắt đầu rẽ hướng khác nhau là lúc độ vênh giá trị đồng tiền sẽ biến động mạnh. Từ đầu tháng 3 đến nay, chưa đầy một tháng mà yen đã mất giá 7%, một con số khổng lồ như đồ thị cho thấy.

 Đồng yen giảm gần như thẳng đứng do độ vênh chính sách tiền tệ giữa Nhật và các nước G7 khác. 

Về phía Nhật, đồng yen yếu sẽ làm lợi cho các công ty xuất khẩu, giá hàng hóa Nhật sẽ tăng tính cạnh tranh trên toàn cầu. Ngược lại, các công ty nhập khẩu và người tiêu dùng Nhật sẽ chịu thêm gánh nặng đối với các mặt hàng mà Nhật phải nhập khẩu chính yếu như năng lượng, nguyên vật liệu thô và lương thực thực phẩm.

Kết quả là lạm phát sẽ tăng tốc và nếu tiệm cận mức 2% như BoJ đề xuất thì họ sẽ phải đảo chiều chính sách của mình. Dĩ nhiên, vấn đề là khi nào? Và có thật là BoJ sẽ chờ đến 2% mới hành động?

Đối với các nước khác thì sao? Ai nhập khẩu hàng Nhật sẽ có thêm lợi thế nhưng ai xuất hàng đi Nhật sẽ khó khăn hơn. Đó là nói về mặt thương mại đơn thuần.

Người lao động nước ngoài ở Nhật, như người Việt Nam xuất khẩu lao động chẳng hạn, sẽ cảm thấy tiền chuyển về nhà bị hụt xuống theo đà biến động của đồng Yen so với đồng nội tệ của họ. Tỷ giá VND/JPY đã rớt khoảng 5% so với đầu năm.  

Tác động trên phương diện đầu tư tài chính thì khá thú vị. Nhà đầu tư nào đang giữ tài sản định danh bằng yen sẽ bị lỗ, điển hình là nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Nhật. Nhưng ngược lại, các nước đang phát triển đang là con nợ ODA của chính phủ Nhật sẽ được nhẹ bớt gánh nặng. Bên cạnh nợ chính phủ, Nhật cũng rất tích cực cho vay các doanh nghiệp nước ngoài nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, năng lượng.

Hồi những năm 2015-2016, Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) của Việt Nam sòn sòn mỗi năm lỗ hơn 200 tỷ do chênh lệch tỷ giá. Đơn giản là PPC thời điểm đó có dư nợ vay hơn 20 tỷ yen Nhật. Sau cú sốc, PPC quyết tâm thanh toán nhanh và dồn toàn lực để đến 2019 thì sạch nợ, trước hạn gần 10 năm. Có lẽ, nếu để đến giờ thì câu chuyện đã đảo chiều với PPC.

Nhưng trên sàn chứng khoán vẫn còn đó một doanh nghiệp với nợ vay bằng đồng yen cực lớn. Nội riêng năm 2021, khi tỷ giá từ vùng 220 VND/JPY còn 200 VND/JPY vào cuối năm thì họ đã lãi hơn 1.000 tỷ. Có lẽ họ sẽ lại có một khoảng thời gian dễ chịu với tỷ giá nữa chăng, khi tỷ giá VND/JPY hiện chỉ còn tầm 190?

Đừng quá vui mừng, trước giờ biến động tỷ giá chẳng đem lại sự giàu có bền vững nào.

Phùng Hữu Hạnh, CFA