|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điều gì đã xảy ra với đà tăng của giá dầu trong năm 2022?

08:05 | 12/12/2022
Chia sẻ
Sau khi chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, giá dầu đã vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi năm 2022 sắp kết thúc, thị trường đang mất dần sức hút.

Một tàu chở dầu neo gần một cảng xuất khẩu dầu của Nga. (Ảnh: Reuters).

Trong phần lớn năm 2022, giá dầu thế giới đã bật tăng mạnh mẽ nhờ nhu cầu nhiên liệu vận tải phục hồi, giữa lúc chiến sự tại Ukraine và động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ khiến nguồn cung bị siết chặt.

Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã vọt lên trên 139 USD/thùng vào tháng 3, sau khi Nga tấn công Ukraine. Sau đó, giá hạ nhiệt và lần nữa tăng trở lại khi người tiêu dùng chịu thiệt hại bởi tình trạng thiếu hụt công suất lọc dầu.

Khi năm 2022 sắp sửa kết thúc, cả giá dầu Brent và WTI đều đã loại bỏ phần lớn mức tăng trong năm. Reuters đã tổng hợp một vài nguyên nhân chính:

 

Nhu cầu nhiên liệu đi xuống

 

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đồng thời là quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ.

Tuy nhiên, trong năm nay, các hạn chế nghiêm ngặt của chính phủ nhằm ngăn chặn COVID lây lan đã làm giảm đáng kể sản lượng kinh tế, công nghiệp cũng như nhu cầu đi lại của người dân Trung Quốc.

Theo ước tính của các nhà phân tích, chính sách Zero COVID của Bắc Kinh đã khiến nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sụt từ 30% đến 40%.

Mùa đông ở châu Âu đã bắt đầu nhưng hiện chưa lạnh bằng mọi năm, dẫn đến nhu cầu cho các nhiên liệu sưởi ấm như dầu sưởi giảm bớt.

Nhìn chung, hoạt động kinh tế cũng đi xuống trên phạm vi toàn cầu, mà đáng chú ý nhất là ở Trung Quốc và Mỹ.

 

Lãi suất lên cao và đồng USD mạnh hơn

Để chống lại lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, các ngân hàng trung ương đã thực hiện một loạt các đợt nâng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế và thị trường lao động.

Lãi suất đi lên, làm tăng giá trị của đồng USD. Giá dầu do đó cũng chịu áp lực lớn bởi đồng USD mạnh lên thường khiến các hàng hoá định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn.

 

Nỗi lo về nguồn cung bị thổi phồng quá mức

 

Vào tháng 10, OPEC+ đã làm phật lòng Mỹ và các quốc gia phương Tây khác khi liên minh này tuyên bố sẽ hạ sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% nhu cầu thế giới) từ tháng 11 đến hết năm 2023.

Theo OPEC+, động thái cắt giảm sản lượng trên là do triển vọng kinh tế toàn cầu đang yếu hơn. Tuy nhiên, việc làm của OPEC+ không giúp hỗ trợ giá dầu.

Khoảng một nửa mức giảm sản lượng của OPEC+ chỉ nằm trên giấy, do nhiều thành viên trong liên minh đã không hoàn thành mục tiêu sản lượng nhiều tháng qua.

Trong khi đó, hoạt động khai thác tại Mỹ có khởi sắc. Sản lượng trong nước tăng chậm, nhưng gần đây đã đạt 12,2 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020.

Đà đi lên của giá dầu cũng được hỗ trợ phần nào bởi lo ngại rằng một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ làm gián đoạn nguồn cung của nước này. Sản lượng của Nga đã giảm, nhưng không mạnh như dự đoán.

Hồi đầu tháng 12, các nước G7 và Australia đã nhất trí áp đặt mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga. Mục đích của động thái này là nhằm cản trở Moscow tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, từ khi chiến sự nổ ra, Nga đã bán dầu với mức chiết khấu lớn. Vì vậy, biện pháp của G7 khó có thể làm gián đoạn thị trường.

Giới đầu cơ rời đi

 

Các quỹ phòng hộ và nhà quản lý tài sản khác đã xây dựng vị thế lớn trên thị trường dầu thô sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Song, họ đã nhanh chóng rời khỏi thị trường, khiến giá dầu mất đi một số trụ đỡ.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy vị thế mua ròng của các quỹ phòng hộ đối với hợp đồng dầu Brent đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Mặt khác, tỷ lệ giữa vị thế mua so với vị thế bán đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.

 

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.