|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Điêu đứng' khi đơn hàng xuất khẩu đi EU, Mỹ bị ngưng trệ

18:22 | 22/03/2020
Chia sẻ
Với hơn 90% sản phẩm giày dép làm ra phục vụ cho thị trường Mỹ và châu Âu, giờ đây lãnh đạo Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định như đang 'đứng trên đống lửa' khi các nhà nhập khẩu của công ty ở hai nền kinh tế này đã yêu cầu tạm ngưng nhập hàng vì hạn chế đi lại do dịch COVID-19.
'Điêu đứng' khi đơn hàng xuất khẩu đi EU, Mỹ bị ngưng trệ - Ảnh 1.

Người lao động đang làm việc tại nhà xưởng ở Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định. Ảnh minh họa: Website công ty

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, lãnh đạo Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, cho biết hoạt động của công ty đang rất khó khăn vì hàng hóa làm ra chuẩn bị xuất đi thì đối tác nhập khẩu ở thị trường châu Âu và Mỹ đã thông báo yêu cầu dừng lại và lưu kho toàn bộ sản phẩm đã thực hiện.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, cho biết các đối tác nhập khẩu thông báo tạm ngưng nhập hàng vào 19-3 chỉ sau vài ngày có các quyết định đóng cửa biên giới, cấm tụ tập đông người của EU và Mỹ.

Hành động này của các nhà nhập khẩu ở châu Âu và Mỹ hoàn toàn dễ hiểu khi họ dự báo sức tiêu thụ sản phẩm sẽ bị giảm mạnh do nhiều trung tâm thương mại lớn, các điểm bán lẻ hàng hóa tại hai nền kinh tế này đóng cửa trong thời gian này, vì hạn chế việc đi lại do dịch Covid-19.

Điều này chưa từng thấy đối với hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất giày dép xuất khẩu trong nhiều năm qua và nó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, trong đó có cả Công ty cổ phần tập đoàn Gia Đình.

Theo ông Trung, có khoảng 50% đơn hàng của các đối tác ở hai thị trường này Công ty Gia Định đã thực hiện xong giờ đây đành phải lưu kho tại công ty theo yêu cầu của các đối tác.

"Sản phẩm của chúng tôi không có bán ở thị trường nội địa. Và hơn 90% lượng giày dép của công ty làm ra lâu nay chủ yếu là xuất đi thị trường Mỹ và châu Âu nên khi những đối tác nhập khẩu của hai thị trường này tạm ngưng nhận hàng xem như hiện nay công ty không có đầu ra tiêu thụ sản phẩm", ông Trung chia sẻ khó khăn.

Riêng những đơn hàng chưa triển khai sản xuất hoặc đang thực hiện dang dở thì phía đối tác cũng yêu cầu phải tạm dừng lại. Do đó, người lao động và công nhân tại các cơ sở sản xuất của tập đoàn Gia Định cũng đang không có việc.

Theo Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, những thương hiệu giày dép thể thao và thời trang mà công ty thực hiện khá nổi tiếng trên thị trường thế giới.

Bày tỏ sự lo lắng rất lớn về việc tắc đầu ra tại hai thị trường xuất khẩu lớn nói trên, ông Nguyễn Chí Trung cho biết, tính hình đang rất khó khăn vì công ty phải trả rất nhiều chi phí liên quan đến tiền lương, chính sách cho người lao động, nhà xưởng...

Số người lao động đang làm việc tại công ty Gia Định có đến gần 4.000 người với chi phí tiền lương phải trả lên đến hàng chục tỉ đồng/tháng đang là thách thức rất lớn mà người đứng đầu công ty đang trăn trở, chưa biết lối ra trong tình cảnh hiện nay.

'Điêu đứng' khi đơn hàng xuất khẩu đi EU, Mỹ bị ngưng trệ - Ảnh 2.

Hàng ngàn lao động đang làm việc tại Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định. Ảnh: Website công ty

Giải pháp tạm thời mà Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định buộc phải đang thực hiện là cho 50% công nhân nghỉ việc luân phiên và giải pháp này dự kiến cũng chỉ có thể cầm cự được một thời gian ngắn.

Hiện Công ty Gia Định chỉ biết trông chờ vào phía đối tác nhập khẩu thông báo về lệnh xuất hàng, nhưng thời điểm nào có thể còn phải phụ thuộc vào tình hình khống chế dịch bệnh đang lây lan nhanh ở hai nền kinh tế này. 

Trong khi đó, cho tới thời điểm này, chưa thể biết chắc khi nào thế giới sẽ kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh.

Khó khăn này không riêng ở Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định mà còn ở hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất giày dép xuất khẩu và những doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều lao động khác như may mặc, đồ gỗ,...

Theo các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay như giãn, giảm thuế là cần thiết nhưng với những doanh nghiệp sản xuất chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu thì số tiền thuế mà các doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách là không nhiều.

Vấn đề mà doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu đang cần hỗ trợ ngay là các vấn đề liên quan đến tiền lương và các chính sách cho người lao động.

Cũng như Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, các doanh nghiệp khác cho biết họ vẫn chưa nhận được các chính sách hỗ trợ cụ thể nào từ Nhà nước liên quan đến nguồn vốn vay ưu đãi vốn đang rất cần thiết để trang trải hoạt động sản xuất và kinh doanh trong tình hình khó khăn bị đình trệ do dịch Covid-19. 

Tìm đến các ngân hàng, doanh nghiệp thường nhận phải thông tin phản hồi chờ được hướng dẫn.

"Chính sách hỗ trợ của nhà nước đưa ra cần kịp thời, nhanh chóng mới có thể kịp “cứu” doanh nghiệp trong tình hình khó khăn như hiện nay", ông Trung nêu kiến nghị.

Công nhân đã ký hợp đồng với doanh nghiệp, nhưng không có việc làm. Doanh nghiệp trong mùa dịch vẫn phải trả lương, bảo hiểm đầy đủ cho người lai động... 

Với 2 gói “giải cứu” tổng cộng khoảng 280.000 tỉ đồng của Chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu kiến nghị nên góp thêm "một tay" để doanh nghiệp tiếp tục chi trả lương cho công nhân, để họ không phải nghỉ việc, gây xáo trộn xã hội.

Hùng Lê