Áp lực bán hạ nhiệt, VN-Index lấy lại mốc 1.090 điểm
Đóng cửa, VN-Index giảm 14,5 điểm (1,31%) còn 1.093,53 điểm, HNX-Index giảm 2,19 điểm (0,96%) xuống 226,26 điểm, UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (0,41%) về 85,27 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index đã giữ được mốc 1.090 điểm. Tuy lực bán có phần hạ nhiệt về cuối phiên chiều, nhưng phiên giao dịch hôm nay đã lấy đi phần lớn nỗ lực hồi phục của phiên thứ Sáu tuần trước. Điều này cho thấy xu hướng giảm điểm của thị trường vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Nhóm cổ phiếu trụ ảnh hưởng lớn đến sự giảm điểm của thị trường phiên hôm nay, tiêu điểm là GAS, VNM, MSN, ... Trong khi đó, điểm sáng của thị trường đến từ một vài cổ phiêu riêng lẻ như HAG, CEO, DXG, ...
Độ rộng thị trường tiếp tục nghiêng về phe gấu với 590 mã giảm (bao gồm gần 20 mã giảm kịch sàn), trong khi chỉ có 320 mã tăng và 202 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh so với phiên giao dịch trước đó. Khối lượng giao dịch đạt gần 659 triệu đơn vị, tương ứng hơn 13.900 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE là 10.110 tỷ đồng, giảm 19% so với phiên trước đó.
Khối ngoại chuyển hướng mua ròng nhẹ phiên hôm nay, chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận khủng hơn 1.100 tỷ đồng cổ phiếu VHM.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, sau phiên tăng 20 điểm cuối tuần trước thì hôm nay thị trường có 1 cây nến giảm, tương đương 2/3 cây nến trước đó.
Những cổ phiếu giao dịch tích cực trong giai đoạn vừa rồi như DGC, FRT, GMD, ... có dấu hiệu suy yếu và thủng nền hỗ trợ. Ngược lại, nhóm bất động sản bị bán tháo giai đoạn trước đã chững lại đà giảm khi thị trường tiếp tục điều chỉnh. Điều này cho thấy dòng tiền đã có sự luân chuyển đến các nhóm ngành đã có mức chiết khấu sâu từ đỉnh.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 18,15 điểm (1,64%) xuống 1.089,88 điểm, VN30-Index giảm 21,7 điểm (1,93%) về 1.101,99 điểm.
Thị trường chứng khoán phiên chiều tiếp đà điều chỉnh với việc VN-Index có thời điểm về dưới mốc 1.090 điểm. Tuy nhiên, RSI khung 1H đã về vùng quá bán, lực cầu cũng có xuất hiện, nếu chỉ số chính có thể lấy lại và giữ được vùng 1.090 điểm thì đây là cơ hội để xác định vùng đáy ngắn hạn.
Dòng tiền bắt đáy dường như vẫn đang thận trọng trước diễn biến hiện tại của thị trường, thể hiện ở thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp. Tính đến hiện tại, giá trị khớp lệnh trên HOSE chưa đến 7.400 tỷ đồng, thấp hơn 1.000 tỷ đồng so với phiên thứ Sáu tuần trước.
Nhóm vốn hóa lớn vẫn là tác nhân chính khiến thị trường đổ dốc. Sang phiên chiều, trụ GAS đã vượt qua VCB trở thành "tội đồ" của thị trường khi tác động tiêu cực nhất lên VN-Index.
Dừng phiên sáng, VN-Index giảm 17,5 điểm (1,58%) xuống 1.090,53 điểm, HNX-Index giảm 1,66 điểm (0,73%) xuống 226,79 điểm, UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (0,48%) về 85,21 điểm.
Nhìn lại phiên giao dịch cuối tuần trước, áp lực bán suy yếu kết hợp với lực cầu bắt đáy tăng mạnh về cuối phiên đã giúp VN-Index có một phiên hồi phục kỹ thuật đầu tiên sau một chuỗi dài giảm điểm và trạng thái thị trường trở nên có phần bớt tiêu cực hơn. Thị trường theo đó được kỳ vọng có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên đầu tuần này và VN-Index biến động gần mức 1.100 điểm.
Tuy nhiên, lực cung đã chiếm ưu thế hơn ngay từ khi mở cửa phiên sáng nay (23/10), VN-Index giảm hơn 2 điểm sau khiên khớp lệnh định kỳ ATO. Nhóm bất động sản thu hút dòng tiền với nhiều mã tăng điểm nư CEO (+3%), LDG (+2,15%), HQC (+1,13%), NLG (+1,03%), DIG (+0,98%), DXG (+0,9%), KDH (+0,5%), ...
Tuy nhiên, áp lực bán liên tục gia tăng và không có dấu hiệu ngừng lại khiến thị trường chung đỏ lửa. Theo quan sát, nỗ lực tăng điểm của SSB, LPB, HAG hay DXG không chống đỡ được đà giảm đến từ các cổ phiếu trụ. Cụ thể, VCB diễn biến tiêu cực khi giảm 2,5% về 82.700 đồng/cp. Cổ phiếu này đã rơi về vùng đáy 2 tháng và lấy đi gần 3 điểm của VN-Index. Theo sau cổ phiếu của Vietcombank là GAS, VNM, MSN, CTG, VPB, ... đều là những "tội đồ" gây sức ép lên thị trường phiên sáng nay.
Mặc dù thị trường giảm trên diện rộng với số mã giảm gần gấp đôi lần số mã tăng, hiện tượng bán tháo không xảy ra khi số cổ phiếu giảm sàn trong phiên sáng chỉ có 13 mã. Bức tranh chung của các nhóm ngành vẫn là phân hóa.
Tại nhóm ngân hàng, sắc đỏ là chủ đạo với 19/27 mã giảm giá. Trong đó, VCB và HDB cùng giảm 2,5%, VBB, STB, OCB, MSB, CTG, NVB, VPB, SHB, MBB, TCB, PGB, BIG giảm quanh 1 - 2%. Chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu giữ được sắc xanh là LPB (+1,4%), SSB (+1), trong khi ABB, BVB, EIB, KLB, VAB đứng giá tham chiếu.
Nhóm chứng khoán giao dịch phân hóa với VIX giảm 3% về 14.550 đồng/cp, AGR (-2,7%), SHS (-2,4%), ORS (-2,4%), BVS (-2%), MBS (-1,9%), ... Trong khi đó, CTS tăng 2,8% lên 23.750 đồng/cp, EVS xanh 2,5%, cùng với SBS, VIG, TCI, DSC tăng quanh ngưỡng 1%.
Thị trường phiên sáng giao dịch ảm đạm với thanh khoản giảm mạnh. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt hơn gần 4.400 tỷ đồng, giảm 20% so với phiên trước. Tính chung toàn thị trường, gần 288 triệu cổ phiếu được mua - bán trong phiên sáng nay, tương đương tổng giá trị giao dịch chưa đến 5.600 tỷ đồng.