'Điệp khúc' từ lãi bỗng thành lỗ sau kiểm toán
Doanh nghiệp báo lãi sau chuyển sang lỗ khiến cổ đông bị sốc. (Ảnh: Đ.Nhọc Thạch)
Đây là trường hợp của Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (FDC). Cụ thể, trước kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của công ty báo cáo đạt hơn 35 tỉ đồng, nhưng sau kiểm toán thì chuyển thành lỗ 35,5 tỉ đồng. FDC giải trình do công ty đã điều chỉnh giảm khoản mục doanh thu từ hoạt động tài chính với số tiền hơn 50,5 tỉ đồng. Đây là số tiền phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng một phần vốn góp trong dự án mà công ty đã ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2018 chưa kiểm toán.
Tuy nhiên khi đối chiếu các nội dung của Hợp đồng chuyển nhượng và căn cứ vào các quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam thì đơn vị kiểm toán đánh giá chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện để ghi nhận doanh thu này cho năm tài chính 2018. Đồng thời, việc điều chỉnh một số hạng mục khác cũng khiến cho lợi nhuận sau thuế năm 2017 của FDC trước đó báo cáo đạt hơn 3 tỉ đồng được điều chỉnh thành lỗ lũy kế lên hơn 9,63 tỉ đồng. Như vậy sau báo cáo kiểm toán, FDC có 2 năm liên tiếp 2017-2018 bị lỗ. Vì vậy Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo đưa cổ phiếu FDC vào diện kiểm soát và bị hạn chế về thời gian giao dịch từ ngày 9.4.
Hay Công ty cổ phần Bao bì Dầu thực vật (VPK) từ mức lỗ chỉ hơn 27 tỉ đồng trong báo cáo tự lập thì sau kiểm toán con số này đã tăng lên 39,85 tỉ đồng. Lý do công ty này chưa ghi nhận chi phí lãi vay phải trả vì đang xin ngân hàng xem xét giảm lãi nhưng theo ý kiến của kiểm toán vẫn phải ghi nhận vì chưa có cơ sở chắc chắn. Cổ phiếu VPK bị đưa vào diện kiểm soát từ ngày 12.4. Trước đó, VPK đã thông qua quyết định giải thể công ty sau 16 năm hoạt động, lý do khách quan đến từ thị trường bao bì thùng carton 2 năm gần đây không thuận lợi, thậm chí dự báo tiếp tục khó khăn. Nguyên nhân chủ quan tại doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh nhiều năm liền không đạt khi liên tục thua lỗ, vốn thiếu hụt, nợ vay cao…
Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (ACM) cũng có mức lỗ khủng sau kiểm toán. Trước đó báo cáo tự lập của ACM cho thấy chỉ lỗ 4 tỉ đồng nhưng sau kiểm toán, mức lỗ tăng mạnh lên gần 83 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi hơn 72,5 tỉ đồng đối với khoản nợ xấu của 3 khách hàng là Đầu tư phát triển DHA Hà Nội, Lê Giang và Kim loại màu Vũ Gia...
Tương tự, Công ty cổ phần Thương mại Hà Tây (HTT) trong báo cáo tự lập có lợi nhuận sau thuế hơn 26 tỉ đồng nhưng sau khi kiểm toán chuyển sang lỗ hơn 23,7 tỉ đồng. Nguyên nhân vì kiểm toán điều chỉnh giảm doanh thu do chưa đủ điều kiện ghi nhận và công ty không kết toán chi phí công trình xây lắp. Tổng cộng tính đến hết năm 2018, HTT bị lỗ lũy kế lên 220,4 tỉ đồng nên cổ phiếu cũng bị đưa vào diệtn cảnh báo từ ngày 9.4...
Những doanh nghiệp trên đều khiến các cổ đông sốc nặng và nhiều người đã liên tục bán ra cổ phiếu sau khi thông tin được công bố.