|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan?

20:52 | 07/04/2019
Chia sẻ
Điện mặt trời bị phản đối ở H.Phù Mỹ (Bình Định) vì dân lo ngại dự án điện mặt trời sẽ 'bất ngờ' chuyển thành dự án khai thác titan; rừng dương ven biển bị phá; dự án bị bán cho người nước ngoài…?
Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan? - Ảnh 1.

Người dân dựng lều canh giữ 3 ô tô đi khảo sát dự án điện mặt trời đầm Trà Ổ. Ảnh: Bảo Thoa

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết Bộ Công thương đã quy hoạch và dự định xây dựng 20 nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trong khi các dự án ở TP.Quy Nhơn và H.Phù Cát đang triển khai rất thuận lợi thì các dự án tại H.Phù Mỹ lại vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân.

Hiện 2 dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn H.Phù Mỹ đang bị người dân phản ứng quyết liệt là: Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ của Công ty TNHH phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch và Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ của Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam.

Sợ mất nơi mưu sinh

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ được triển khai trên diện tích khoảng 60,6 ha trên đầm Trà Ổ (thuộc xã Mỹ Lợi, H.Phù Mỹ), tổng vốn đầu tư khoảng 1.440 tỉ đồng và dự kiến đến quý II năm 2019 sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, người dân sống xung quanh đầm Trà Ổ, ở các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thắng nhiều lần tập trung phản đối dự án này.

Cụ thể, tháng 6.2018, khi dự án đang trong giai đoạn khảo sát thì người dân ở thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu, H.Phù Mỹ) đã chặn xe công vụ nhiều ngày để phản đối. Sau đó, chủ đầu tư chuyển sang khảo sát tại khu vực đầm Trà Ổ thuộc địa phận thôn Mỹ Phú Bắc (xã Mỹ Lợi) cũng bị người dân ngăn cản.

Theo ông Hà Văn Hài, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi, từ ngày 17.2 đến nay, người dân vẫn giữ xe tải của một đơn vị thi công tại thôn Mỹ Phú Bắc để ngăn cản việc triển khai dự án ở đầm Trà Ổ.

Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan? - Ảnh 2.

Thông tin tuyên truyền về dự án ở đầm Trà Ổ. Ảnh: Hoàng Trọng

Những người dân này lo ngại khi triển khai dự án, chủ đầu tư sẽ rào chắn để chiếm diện tích đầm Trà Ổ, khu vực che phủ của các tấm pin sẽ khiến thủy sản không thể sinh sống, dự án gây ô nhiễm môi trường, tăng nhiệt độ xung quanh nhà máy… "Nhiều người ở đây không có ruộng đất, mỗi ngày ra đầm Trà Ổ đánh bắt kiếm được 200.000 - 300.000 đồng để sinh sống, nuôi con cái. Bây giờ lấy đầm làm nhà máy điện mặt trời sẽ làm lợi cho doanh nghiệp, còn dân chúng tôi có lợi gì? Không còn chỗ đánh bắt thì biết lấy gì mà sống", bà Trịnh Thị Phận (ở thôn Mỹ Phú Bắc, xã Mỹ Lợi) nói.

Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan? - Ảnh 3.

Bà Trịnh Thị Phận trình bày bức xúc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Trọng

Theo quy hoạch, Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ có diện tích 380 ha, trong đó có 324 ha ở xã Mỹ Thắng và 56 ha ở xã Mỹ An. Dự án này cũng bị người dân phản ứng ngay từ khâu khảo sát. Đỉnh điểm là từ ngày 10. 11 - 4.12.2018, một số người người dân đã tập trung tại xã Mỹ Thắng giữ xe của một doanh nghiệp đi khảo sát để rà phá bom mìn trong vùng dự án, bắt giữ một số người ngoài tỉnh đến khu vực này... Khi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đến tận nơi để đối thoại, người dân xã Mỹ Thắng mới chịu rời khỏi hiện trường.

Những người dân ở xã Mỹ Thắng, Mỹ An cho rằng việc triển khai Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ sẽ gây ô nhiễm môi trường, lo ngại doanh nghiệp nấp bóng làm dự án để khai thác titan, phá rừng dương phòng hộ ven biển, rào chắn lối đi ra biển và lo ngại chủ đầu tư sẽ bán dự án cho người người nước ngoài…

Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan? - Ảnh 4.

Người dân xã Mỹ Thắng dựng lều giữ xe và người để phản đối dự án điện mặt trời. Ảnh: Hoàng Trọng

Theo người dân, cách đây hơn 10 năm, trên địa bàn H.Phù Mỹ có hàng chục dự án khai thác titan được các cơ quan chức năng cấp phép. Việc khai thác titan ồ ạt ở khu vực ven biển diễn ra nhiều năm liền đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, như: rừng dương bị chặt phá dẫn đến hiện tượng cát bay, mực nước ngầm bị cạn kiệt, đường xá bị hư hỏng…

“Giờ chính quyền nói chủ đầu tư dự án điện mặt trời không khai thác titan nhưng sau 5 - 10 năm họ khai thác titan thì sao? Hoặc trong quá trình triển khai dự án, vì lý do gì đó mà chủ đầu tư chuyển nhượng lại dự án cho người nước ngoài thì sao? Ai dám đảm bảo là không có những điều này xảy ra?”, ông Nguyễn Thanh Long (ở thôn 8, xã Mỹ Thắng) lo ngại.

Do năng lực của chính quyền cơ sở?

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ, cho biết không phải tất cả người dân xã Mỹ Thắng, Mỹ Châu, Mỹ Lợi đều phản đối dự án mà chỉ có một nhóm người không đồng tình và kích động người khác cũng tham gia phản đối.

“Cái gốc rễ là ngày xưa người dân phản đối khai thác titan, trên cơ sở đó lại phản đối luôn các dự án khác của tỉnh triển khai như dự án nước sạch, dự án xây dựng đê kè chống triều cường… Những người phản đối dự án cũng từng hành hung cán bộ, bắt giữ người trái pháp luật nhưng lại không bị xử lý nghiêm nên họ lấn tới, tự ý chiếm đất rồi lại bán đất sang tay mà chính quyền không quản lý được. Nên bây giờ khi triển khai dự án, những người này sợ mất quyền lợi nên kích động người dân tham gia phản đối. Những người này đã nhờn pháp luật rồi, do không bị xử lý nghiêm những lần vi phạm trước mà ra”, ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan? - Ảnh 5.

Chủ tịch UBND H.Phù Mỹ đối thoại với người dân về dự án ở đầm Trà Ổ. Ảnh: Hoàng Trọng

Điện mặt trời bị phản đối ở Phù Mỹ: Vì nghi DN núp bóng khai thác titan? - Ảnh 6.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng trò chuyện với người dân xã Mỹ Lợi. Ảnh: Hoàng Trọng

Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, qua một số ý kiến của bà con địa phương trong những lần đối thoại về dự án cho thấy công tác tuyên truyền về các dự án, về chủ trường, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa đến tai của người dân, cũng có vài người dân cố ý không nghe rồi kích động người khác cùng phản đối.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định chủ đầu tư các dự án điện mặt trời ở H.Phù Mỹ đều là doanh nghiệp Việt Nam, không phải nước ngoài và cam đoan sẽ không có doanh nghiệp nào được phép khai thác titan trên địa bàn xã Mỹ Thắng. Đồng thời, ông Dũng cũng đã yêu cầu tạm dừng Dự án nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ để lấy ý kiến của dân, làm rõ những vấn đề người dân thắc mắc.

Hoàng Trọng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.