Điện gió gặp khó trong huy động vốn
Điện gió vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển
Sáng ngày 11/6, tại Hà Nội, Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam.
Hội thảo thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh
Tại hội thảo, ông Ashish Sethia, Giám đốc phân tích và cố vấn khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, Tập đoàn Tài chính Năng lượng Bloomberg, cho biết điện gió đang ở giai đoạn đầu phát triển.
Cùng với đó, xu hướng giá loại năng lượng này ngày giảm và sẽ rẻ hơn điện than và điện mặt trời.
Nguyên nhân là chi phí đầu tư điện gió ngày một giảm trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào của nhiệt điện là than và khí đốt lại tăng. Giá tuabin gió đã giảm khoảng 45% trong 6 - 7 năm gần đây. Các chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng đang được giữ ở mức ổn định và có xu hướng giảm.
Chi phí vốn vay các dự án cũng đang giảm bởi xu hướng các ngân hàng Trung ương là giảm lãi suất để kích thích kinh tế.
Ông Ashish Sethia dự đoán đến 2050, tỉ trọng nhiệt điện than giảm mạnh từ 30% (năm 2017) xuống còn 5% vào năm 2050. Trong khi tỉ trọng điện gió tăng 9% lên 17%.
Vị này nói thêm nếu như trước đây phải mất 20 năm mới phát triển được 1 MW điện gió thì hiện nay chỉ khoảng 5 năm.
Việt Nam gặp khó trong huy động vốn
Còn tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết tiềm năng điện gió lớn nhất tập trung tại tỉnh Ninh Thuận trở vào khu vực phía Nam.
Mặc dù chi phí điện gió cao hơn so với điện mặt trời nhưng lại có lợi ích lớn hơn do điện mặt trời chỉ có thể phát ban ngày còn điện gió cả ngày lẫn đêm.
bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu, đánh giá Việt Nam có tiềm năng về điện gió rất lớn, do đó, đây là điểm đầu tư hấp dẫn, nếu có được các khung pháp lý ổn định và lâu dài.
Tuy nhiên, đánh giá về những khó khăn khi phát triển các dự án điện gió trong nước, trao đổi bên lề hội thảo, bà Trần Bích Hường, Giám đốc Thương mại công ty Mainstream Renewable Power cho biết một số dự án không được các bên cho vay quốc tế chấp thuận do có nhiều rủi ro. Trong khi đó, các ngân hàng trong nước chỉ cho vay đối với những dự án nhỏ 30 - 40 triệu USD, thời gian vay là 3 - 5 năm.
Đối với các dự án lớn vài trăm MW với khoản vay hàng trăm triệu USD thì các ngân hàng trong nước vẫn chưa làm được.
Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo nói chung như giá FiT, miễn thuế nhập khẩu thiết phát triển năng lượng tái tạo nhưng bà Hường cho rằng những chính sách này vẫn chưa hoàn thiện để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài do còn nhiều khó khăn về đấu nối giữa các vùng. Trong khi việc xây dựng lưới điện mất thời gian khoảng 3 - 5 năm.
Ông Hoàng Phương, đại diện Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhận định, Việt Nam có chính sách mở cửa, khu vực tư nhân sẵn sàng đầu tư vào năng lượng tái tạo.
"Tuy nhiên, lĩnh vực mới nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ đã có kinh nghiệm chưa khi hầu hết nhà đầu tư bây giờ mới đầu tư vào bất động sản, một số ngành khác có lợi nhuận cao, năng lượng là lĩnh vực mới nên chúng tôi lo lắng về năng lực", ông Hoàng Phương chia sẻ.
Giá FiT (feed-in tariffs) là giá bán điện năng (tariff) sản xuất ra từ nguồn NLTT được cung cấp vào (feed-in) hoặc bán cho lưới điện.
Giá FiT hàm chứa ba yếu tố cốt lõi để phát triển nguồn năng lượng tái tao: (1) một sự đảm bảo để nguồn NLTT kết nối với lưới điện; (2) một hợp đồng bán điện dài hạn; và (3) một mức giá bán điện năng có lãi hợp lý cho nhà đầu tư. - Theo tietkiemnangluong.com.vn