|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điện Gia Lai dự kiến phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong quý III

21:46 | 14/05/2021
Chia sẻ
Trái phiếu có kỳ hạn ba năm và được đảm bảo bằng bất động sản gắn liền trên đất của ba dự án nhà máy thủy điện và cổ phần của CTCP Nhà máy điện Mặt trời Trúc Sơn.

Hội đồng quản trị CTCP Điện Gia Lai (Mã: GEG) đã thông qua nghị quyết phê duyệt việc phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng đợt hai năm 2020 với kỳ hạn ba năm. Thời hạn dự kiến phát hành trong quý III/2021.

Theo doanh nghiệp, mục đích phát hành nhằm cơ cấu lại nguồn vốn hiện tại cho công ty và tăng quy mô vốn hoạt động.

Trước đó hồi tháng 4/2021, GEG đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức riêng lẻ với kỳ hạn ba năm.

Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu trên là bất động sản gắn liền trên đất của dự án nhà máy thủy điện Đa Khai; nhà máy thủy điện H'Chan của CTCP Thủy điện Gia Lai và cổ phần của công ty tại CTCP Nhà máy điện Mặt trời Trúc Sơn. Tổng giá trị tài sản đảm bào hơn 854 tỷ đồng.

Thời điểm đó, có một nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mua lại hoàn toàn 500 tỷ đồng trái phiếu trên. Bên đứng ra thu xếp cho thương vụ là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021, nợ phải trả của GEG tăng khoảng 43 tỷ lên 4.348 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 57% tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng nợ đi vay của doanh nghiệp là 3.929 tỷ đồng, tập trung phần nhiều ở nợ vay dài hạn từ các ngân hàng.

1.000 tỷ đồng trái phiếu sẽ chảy về GEG trong quý III - Ảnh 1.

Cuộc họp ĐHĐCĐ của Điện Gia Lai diễn ra sáng 29/4 tại TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Năm 2021, GEG đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu hơn 1.830 tỷ đồng, tăng 20% so với kết quả thực hiện năm 2020. 

Tuy nhiên, tổng chi phí dự kiến hơn 1.510 tỷ đồng, tăng hơn 24% nên mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến trình cổ đông chỉ tăng 4% lên hơn 320 tỷ đồng. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn kỳ vọng phấn đấu đạt 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Liên quan đến kế hoạch đầu tư, GEG đặt mục tiêu đưa các dự án điện gió vào vận hành để được hưởng cơ chế giá FIT trong năm 2021.

Cụ thể gồm dự án nhà máy điện gió V.P.L Bến Tre, công suất giai đoạn 1 là 30 MW, giai đoạn 2 là 60 MW, tổng vốn đầu tư 1.448 tỷ đồng.

Dự án nhà máy điện gió Ia Bang 1 tại tỉnh Gia Lai, công suất 50 MW, tổng vốn đầu tư 1.790 tỷ đồng.

Dự án nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 tại tỉnh Tiền Giang, tổng công suất quy hoạch cả cụm là 150 MW, tổng vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng.

Minh Hằng