|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Diễn biến mới tại dự án Mũi Đèn Đỏ

14:31 | 31/08/2022
Chia sẻ
Thời gian gần đây, một doanh nghiệp địa ốc mới nổi với loạt thương vụ M&A lớn là CTCP Quản lý và Phát triển Viva Land (VN) tự giới thiệu là đơn vị quản lý dự án Saigon Peninsula.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản gửi UBND TP HCM về việc đầu tư phát triển Bến tàu khách quốc tế tại Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7).

Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên sông Sài Gòn xác lập quy hoạch bến cảng hành khách và trên sông Nhà Bè quy hoạch bến khách.

Trong đó, Bến tàu quốc tế thuộc dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM) do CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư. Dự án được UBND TP chấp thuận chủ trưởng vào năm 2007, sau đó gia hạn 2 lần vào năm 2009 và 2011.

Tại lần gia hạn vào năm 2011, UBND TP đã thuận giao gần 110/117,8 ha đất cho CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (lúc đó có tên gọi là CTCP Đại Trường Sơn) để chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 21, Nghị định 11/2013-NĐ-CP, Thủ tưởng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên.

Do đó, đối với dự án Mũi Đèn Đỏ có quy mô 117,8 ha, Sở Xây dựng trình UBND TP xem xét có văn bản xin ý kiến chấp thuận của Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án.

Trong năm 2017, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Xây dựng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đến tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ có thông báo về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở phường đô thị.

Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu “UBND TP HCM rà soát việc thực hiện dự án theo quy định của pháp luật và các điều kiện thực tế triển khai dự án, thống nhất với Thường trực thành ủy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Văn phòng UBND TP HCM sau đó đã có công văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng; đồng thời tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản của Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy về việc triển khai dự án đúng quy định.

Phối cảnh dự án Công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (Saigon Peninsula). (Nguồn: Viva Land).

Sở GTVT cho biết đầu tháng 2/2021, Sở Xây dựng TP HCM đã có văn bản gửi CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, trong đó đề nghị chủ đầu tư bổ sung văn bản chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và liên hệ UBND TP để gia hạn thực hiện dự án, cung cấp giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, mặt nước do cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở cấp phép xây dựng Bến tàu khách quốc tế.

CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula đang hoàn chỉnh hồ sơ xin thuê đất, mặt nước để gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND TP phê duyệt cho thuê phần đất có mặt nước để thực hiện dự án bến tàu.

Đồng thời, chủ đầu tư cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để báo cáo, trình Thủ tướng chấp thuận đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị.

Cũng theo Sở GTVT, dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ của CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula phải thực hiện báo cáo, trình Thủ tướng chính phủ có văn bản chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án và khu nhà ở đô thị quy mô 117 ha, trong đó có Bến tàu quốc tế.

Do vậy, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117 ha để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Bến tàu khách quốc tế.

Công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (hay còn gọi là dự án Saigon Peninsula) ban đầu do liên danh Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Pavilion Group và Genting Group triển khai với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD. Toàn dự án có quy mô 117 ha, trong đó khu công viên hỗn hợp đa chức năng khoảng 82 ha và khu đô thị nhà ở khoảng 35 ha.

Sau một năm đầu tư vào Sài Gòn Peninsula, Rainbow City Group Limited - cổ đông ngoại có trụ sở tại British Virgin Islands, sở hữu 15% vốn đã thoái vốn vào cuối năm 2018.

Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp được cập nhật gần nhất vào cuối năm 2020, vị trí Chủ tịch HĐQT tại doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển từ ông Truong Vincent Kinh (quốc tịch Mỹ) sang ông Nguyễn Ngọc Dương. Thành viên HĐQT doanh nghiệp có ông Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Australia, cựu Chủ tịch Sài Gòn Peninsula).

Thời gian gần đây, một doanh nghiệp địa ốc mới nổi với loạt thương vụ M&A lớn là CTCP Quản lý và Phát triển Viva Land (VN) tự giới thiệu là đơn vị quản lý dự án Saigon Peninsula.

 Viva Land tự giới thiệu là đơn vị quản lý dự án Saigon Peninsula. (Ảnh chụp màn hình).

Tại thương vụ mua lại khách sạn SO/Singapore, tờ The Business Times từng đề cập Viva Land là doanh nghiệp có liên quan đến nữ tỷ phú người Việt gốc Hoa Trương Mỹ Lan - người sáng lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, The Business Times đã cải chính thông tin sau đó với nội dung: Viva Land đã liên hệ với Ban Biên tập để nói rõ rằng không có mối liên hệ nào giữa bà Trương Mỹ Lan và Viva Land.

Tính đến hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục phát triển hay đã rút khỏi dự án Saigon Peninsula.

Saigon Peninsula thuộc diện nhà nước thu hồi đất, giao chủ đầu tư, trong đó có một phần đất doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và phần còn lại do nhà nước trực tiếp quản lý.

Cuối năm ngoái, 29 hộ dân trong vùng dự án khởi kiện, đề nghị Tòa án nhân dân quận 7 buộc chủ đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ thanh toán hơn 2.100 tỷ đồng tiền đền bù đất tại dự án, cộng với tiền gốc và lãi suất do chậm thanh toán.

Song, phía doanh nghiệp khẳng định họ đã thanh toán tiền chuyển nhượng đất cho người được ủy quyền của các hộ dân theo hợp đồng ủy quyền, mặc dù hợp đồng này không có điều khoản cho phép người được ủy quyền nhận tiền và Sài Gòn Peninsula cũng không chứng minh được việc giao tiền bằng giấy tờ.

Sau quá trình nghị án, cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án nhân dân quận 7 đã tuyên Sài Gòn Peninsula thắng kiện, các nguyên đơn không đồng tình với quyết định và sẽ kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP HCM.

Nguyên Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.