Điểm yếu nào khiến dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào trại heo hơn 20.000 con?
Chuồng hở, xây dựng trên 40 năm, mầm bệnh tích nhiều
Mới đây, Đồng Nai đã ghi nhận ổ dịch tả heo châu Phi lớn nhất từ trước đến nay tại trại heo của Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn (huyện Trảng Bom, mã cổ phiểu: PSL) với tổng đàn trên 20.000 con.
Trao đổi với người viết, ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn cho biết do các hộ chăn nuôi xung quanh đều bị nhiễm dịch tả heo châu Phi nên đã lây lan sang trang trại của Phú Sơn.
Khi được hỏi về khả năng lây lan qua đường thức ăn, ông Sơn cho biết hiện công ty tự sản xuất thức ăn cho heo chứ không mua bên ngoài.
Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn. Ảnh: FB.
Trong báo cáo thường niên 2018, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn cho biết để đối phó với nguy cơ dịch tả heo châu Phi thâm nhập công ty đã thực hiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như trang bị đầy đủ trang phục, vật chất cho các cán bộ, người lao động để khử trùng, diệt khuẩn cho heo.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết chuồng trại của công ty chủ yếu là chuồng hở được xây dựng trên 40 năm nên nguồn bệnh tích nhiều. Công ty không thể sửa chữa và nâng cấp chuồng trại theo xu hướng hiện đại vì chi phí lớn mà không sử dụng được bao lâu nên chủ yếu tận dụng cơ sở cũ để chăn nuôi dẫn đến an toàn sinh học không đảm bảo, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Mặt khác, Phú Sơn cho biết hiện nay có những bệnh không có vacxin phòng ngừa (đặc biệt là dịch tả cấp) mà chủ yếu phòng bằng cách ly, vệ sinh sát trùng chuồng trại nhằm bảo đảm an toàn sinh học. Tuy nhiên, vấn đề này công ty lại khó làm được do chuồng trại nằm trong khu vực đông dân cư.
Bên cạnh đó, khu vực trại heo Phú Sơn tiếp giáp với đường đi nên khó có thể kiểm soát việc lây lan bệnh và đảm bảo an toàn sinh học.
Trao đổi với qua điện thoại, ông Huỳnh Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết đến nay vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác virus dịch tả heo châu Phi lây lan vào trại chăn nuôi của Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn qua đường nào.
ông Huỳnh Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai
Ông Vinh cho biết phương án hiện nay đối với Phú Sơn là dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở chuồng nào thì xử lí, tiêu hủy ở chuồng đó. Dự kiến số lượng heo tiêu hủy khoảng 600 con. Phần còn lại, công ty cố gắng khống chế và phòng chống dịch.
Trả lời về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, ông Vinh cho biết: "Hiện nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn mà mới chỉ hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ".
Mặc dù áp dụng nhiều giải pháp nhưng do không có vacxin và thiết kế của các chuồng trại cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn sinh học nên dịch bệnh vẫn lây lan nhanh chóng.
Đồng Nai đã tiêu hủy 25.000 con heo nhiễm dịch tả heo châu Phi
Vấn đề an toàn sinh học là vấn đề căn cơ nhất để đối phó với dịch tả heo châu Phi. Người dân từ trước đến nay vẫn luôn ỉ lại vào vacxin để chữa các loại bệnh mà không chú ý đến việc xây dựng chuồng trại có đủ điều kiện về vệ sinh, an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa, trong khi tốc độ lây lan dịch nhanh như vừa cơ cơ bản là do nguồn nước di chuyển từ trại có bệnh ra ao hồ, suối và lan qua các trại khác nếu sử dụng nguồn nước từ ao hồ, suối có chứa mầm bệnh.
Ngoài ra, do điều kiện chuồng trại thô xơ, một số loài gặm nhấm như chuột chứa mầm bệnh khi xâm nhập vào chuồng heo cũng có thể lây bệnh.
"Mặc dù chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp nhưng rất khó để khống chế dịch bệnh tả heo châu Phi và đây một dịch bệnh khó khống chế nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay", ông Vinh nói.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết thêm tính đến nay toàn tỉnh đã tiêu hủy khoảng 25.000 con heo, tương đương với 1% trong tổng đàn heo của Đồng Nai. Chưa rõ về khả năng thiếu hụt heo nhưng đặt trong bối cảnh nguồn cung toàn quốc đang giảm nên chắc chắn việc thiếu hụt không thể tránh khỏi.
Đồng Nai không chỉ cho nội tỉnh mà còn cung cấp choTP HCM và các tỉnh khác nữa.