|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điểm nhấn tuần này: ECB có thể tiên phong hạ lãi suất, Mỹ và các nền kinh tế lớn công bố loạt số liệu quan trọng

10:38 | 03/06/2024
Chia sẻ
ECB có thể khiến đồng euro yếu đi vào ngày 6/6 khi các quan chức thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên. Động thái này sẽ khiến chính sách tiền tệ của châu Âu đi theo hướng khác với Mỹ.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. (Ảnh: Getty Images).

Eurozone đi đầu

ECB được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp chính sách ngày 6/6. Các quan chức cho biết họ cảm thấy thoải mái khi tách biệt chính sách với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngay cả khi điều đó khiến đồng euro yếu đi và có thể kích thích lạm phát.

Trong thời gian tới, các quan chức ECB nhiều khả năng sẽ tranh luận nhiều hơn về khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách. Một số báo cáo gần đây chỉ ra áp lực lạm phát vẫn còn dai dẳng.

Gần đây nhất, dữ liệu vào ngày 31/5 cho thấy thước đo lạm phát quan trọng của khối kinh tế chung đã bất ngờ tăng vào tháng 5, lần đầu tiên sau khoảng một năm, Fortune lưu ý.

ECB đã thấy trước tác động của triển vọng chính sách đến thị trường tài chính. Đồng euro vừa tụt xuống mức thấp nhất trong gần hai năm so với bảng Anh khi nhà đầu tư nhận định Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đi sau ECB trong việc hạ lãi suất.

Các nhà kinh tế tại Bloomberg Economics dự đoán ngân hàng trung ương châu Âu sẽ hạ lãi suất 25 bps trong tháng 6, sau đó tạm dừng vào tháng 7 và tiếp tục giảm với quy mô tương tự vào tháng 9, 10 và 12.

Cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta thừa nhận rằng hạ lãi suất có thể làm suy yếu đồng euro và kích thích giá cả đi lên.

Song, ông nói thêm rằng chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ cũng có thể làm tổn hại nhu cầu toàn cầu và do đó có khả năng hạn chế lạm phát ở khu vực đồng euro.

Tại cuộc họp ngày 6/6, nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm đến các dự báo kinh tế hàng quý của ECB và cuộc họp báo của Chủ tịch Christine Lagarde để tìm gợi ý về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương quyền lực này.

Hiện tại, các nhà giao dịch kỳ vọng ECB sẽ hạ lãi suất hai lần trong năm 2024, khả năng xảy ra lần thứ ba là rất nhỏ. Ngân hàng trung ương Đan Mạch có thể sẽ “nối gót” ECB và cắt giảm lãi suất 25 bps vài giờ sau đó.

Cũng trong tuần này, báo cáo việc làm của Mỹ và quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) là một vài thông tin quan trọng mà nhà đầu tư có thể không muốn bỏ lỡ.

Mỹ và Canada

Sau dữ liệu về chi tiêu và lạm phát tuần trước, các nhà đầu tư sẽ đón nhận báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ vào ngày 7/6. Các nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng việc làm sẽ ổn định trở lại.

Trong một khảo sát do Bloomberg thực hiện, các chuyên gia ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 190.000 việc làm trong tháng 5. Đây là một mức tăng khiêm tốn so với tháng 4.

Theo đó, báo cáo tháng 5 sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm trung bình trong ba tháng gần nhất, càng củng cố nhận định nhu cầu lao động đang yếu đi. Tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng giữ nguyên ở mức 3,9%.

Thu nhập trung bình mỗi giờ được dự đoán tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023, bằng với mức tăng của tháng 4. Dù tăng trưởng thu nhập đang ở mức thấp nhất trong ba năm, tiền lương của người lao động vẫn cao hơn so với trước đại dịch.

 

Bộ Lao động Mỹ cũng sẽ công bố số vị trí đang tuyển dụng trong tháng 4 vào ngày 4/6. Các nhà kinh tế dự đoán Mỹ có gần 8,4 triệu vị trí trống, thấp hơn một chút so với tháng trước đó.

Số vị trí cần tuyển dụng tiếp tục giảm bớt trong bối cảnh các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm nhân viên hơn do thị trường lao động đang trở nên cân bằng hơn.

Ngoài dữ liệu của chính phủ, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) sẽ công bố thêm kết quả khảo sát tháng 5 đối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ lần lượt vào ngày 3 và 5/6.

Nước láng giềng của Mỹ là Canada có thể sẽ sớm bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách. Canada đã ghi nhận 4 báo cáo thiểu phát liên tiếp và một báo cáo khác vào cuối tuần trước cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến.

Các nhà kinh tế kỳ vọng BoC sẽ hạ lãi suất 25 bps tại cuộc họp chính sách vào giữa tuần này. Tuy nhiên, một số người vẫn hoài nghi định hướng của Thống đốc Tiff Macklem và các đồng nghiệp, những quan chức đang khá thận trọng.

Do chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình vẫn mạnh mẽ và tăng trưởng việc làm vượt kỳ vọng vào tháng trước, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ đợi thêm dữ liệu và bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào ngày 24/7.

Châu Á

Nhiều nền kinh tế châu Á sẽ công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vào ngày 3/6.

PMI sản xuất do Caixin Trung Quốc tổng hợp có thể cho thấy tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thước đo này được dự báo sẽ tăng nhẹ trong tháng 5, đánh dấu tháng thứ 7 liên tiếp trên ngưỡng 50. PMI dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ lên cao hơn.

Indonesia, Hàn Quốc, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng nhận được số liệu PMI trong cùng ngày.

Đến ngày 5/6, Australia dự kiến sẽ tiết lộ tăng trưởng GDP quý I. Nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới được dự đoán sẽ tăng trưởng một chút so với quý liền trước, đánh dấu quý thứ 10 liên tiếp mở rộng. Dữ liệu xuất khẩu và tồn kho một ngày trước đó sẽ cung cấp cho các nhà kinh tế dữ kiện để điều chỉnh ước tính GDP.

Lạm phát toàn phần ở Indonesia có thể hạ nhiệt một chút trong tháng 5. Cùng với Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Philippines cũng là các nền kinh tế sẽ công bố số liệu lạm phát.

Tại Nhật Bản, lợi nhuận doanh nghiệp và số liệu chi tiêu vốn sẽ là yếu tố quyết định cho việc điều chỉnh GDP quý đầu tiên.

Ngoài ra, tiền lương thực tế của người lao động Nhật Bản có thể đã giảm tháng thứ 25 liên tiếp vào tháng 4. Đây có thể là một chủ đề mà ông Toyoaki Nakamura, thành viên hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, sẽ chia sẻ vào ngày 6/6.

Ở nơi khác, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất chuẩn ổn định ở mức 6,5% tại cuộc họp chính sách ngày 7/6. Nếu RBI hành động như thị trường dự đoán, đây sẽ là cuộc họp thứ 8 liên tiếp ngân hàng trung ương này giữ nguyên lãi suất.

Cuối cùng, tuần này sẽ kết thúc với số liệu xuất khẩu tháng 5 của Trung Quốc.

Khả Nhân