|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Điểm mù’ trong nền kinh tế Mỹ

14:30 | 30/07/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhu cầu yếu đi thấy rõ, nhiều nhà sản xuất Mỹ đang cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh.

“Yếu hơn dự đoán của bất kỳ ai”

Ngay lúc này, lãi suất cao hơn, chi phí hoạt động tăng, đồng USD mạnh lên và giá nguyên liệu thô xuống thấp đang đè nặng lên hoạt động của các nhà máy trên khắp nước Mỹ.

Giám đốc cấp cao tại những công ty sản xuất hàng hoá lâu bền như ô tô, máy gặt đập liên hợp và máy giặt dự đoán tình hình kinh doanh trong nửa cuối năm sẽ đầy thách thức.

Deere & Co., nhà sản xuất nông cụ lớn nhất thế giới theo doanh số, đã cắt giảm khoảng 2.100 công nhân kể từ tháng 11 năm ngoái, tương đương khoảng 15% lực lượng lao động theo giờ của công ty.

Đối thủ của Deere là Agco tiết lộ vào tháng 6 rằng họ sẽ sa thải 6% lực lượng lao động trên toàn thế giới, tương đương khoảng 800 người, vào cuối năm.

Tuần này, công ty sản xuất nhà xe (recreational vehicle) Polaris cho biết họ sẽ điều chỉnh sản lượng để giảm số sản phẩm giao cho các đại lý.

Theo Wall Street Journal, thông tin trên được đưa ra khi Polaris báo cáo lợi nhuận quý II giảm 49% so với cùng kỳ năm trước. Công ty này còn lưu ý doanh số bán xe máy, thuyền và xe địa hình đều đi xuống do người tiêu dùng hạn chế mua sắm tuỳ ý.

“Hoạt động bán lẻ hiện yếu hơn dự đoán của bất kỳ ai”, CEO Michael Speetzen của Polaris chia sẻ với các nhà phân tích.

Máy gặt lúa mì của Deere, nhà sản xuất nông cụ lớn nhất thế giới theo doanh số. (Ảnh: Zuma Press).

Whirlpool tiết lộ rằng sự chững lại của thị trường nhà ở đang kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm tủ lạnh, máy rửa chén và các thiết bị gia dụng khác của họ.

MSC Industrial Direct, một nhà phân phối dụng cụ và vật tư công nghiệp, cho biết doanh số bán hàng trung bình mỗi ngày trong quý gần đây đã giảm 7% so với một năm trước.

Bức tranh của lĩnh vực sản xuất trở nên u ám giữa lúc hàng chục công ty trong chỉ số S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý II. Nhà đầu tư sẽ theo sát các báo cáo trong bối cảnh lạm phát giảm nhiệt và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc hạ lãi suất.

Trước khi giảm tốc, ngành sản xuất của Mỹ từng có nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ về doanh số và lợi nhuận. Trong đại dịch, người tiêu dùng không thể chi tiền cho nhà hàng hay buổi hoà nhạc. Thay vào đó, họ mở ví để mua máy rửa chén và cải tạo nhà cửa.

Các nút thắt trong chuỗi cung ứng khiến việc mua hàng trở nên khó khăn hơn khi người tiêu dùng tăng chi tiêu. Doanh nghiệp phải đặt hàng nhiều hơn để bù đắp cho những nguyên vật liệu khó mua. Lạm phát bùng lên. Tuy nhiên, giá cả tăng cao cuối cùng đã khiến người tiêu dùng chùn bước.

Song, các gói chi tiêu mà chính quyền Tổng thống Joe Biden rót vào lĩnh vực bán dẫn, xe điện và cơ sở hạ tầng vẫn hỗ trợ phần nào cho ngành sản xuất. Một số công ty quốc phòng cũng được hưởng lợi khi xung đột ở Ukraine và Dải Gaza tiếp tục.

 

Thêm nhiều câu chuyện khác

Ông Jeremy Flack, CEO nhà phân phối thép và nhôm Flack Global Metals, cho biết khách hàng đang mua hàng với giá trị nhỏ với kỳ vọng giá kim loại công nghiệp sẽ tiếp tục giảm.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu năm nay yếu hơn đáng kể so với năm ngoái. Sau ba năm phá vỡ mọi kỷ lục, chúng tôi đang quay trở lại với bức tranh ngành thép trước đây”, vị CEO nhận xét.

Nhu cầu thép yếu đã đẩy giá đi xuống trong nhiều tháng qua. Giá giao ngay hiện tại vào khoảng 655 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 40% so với đầu năm nay, theo S&P Global Commodity Insights.

Sau nhiều năm thúc đẩy doanh số bán nông cụ, sức mua của nông dân đã khựng lại do giá ngô, đậu nành và các nguyên liệu thô khác giảm. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán tình trạng này sẽ làm giảm thu nhập của nông dân khoảng 25%.

Doanh số bán lẻ máy kéo nông nghiệp công suất lớn tại Mỹ và Canada đã tụt 12% vào tháng 6 so với cùng kỳ, trong khi doanh số bán máy gặt giảm 29%, theo Hiệp hội các nhà sản xuất nông cụ Mỹ.

Deere cho biết họ quyết định giảm mạnh sản lượng với hy vọng có thể tránh được tình trạng tồn kho thiết bị chưa bán được tại các đại lý.

Một số nhà sản xuất ô tô cũng giảm sản lượng xe điện, một phần do nhu cầu của khách hàng yếu hơn dự kiến. Do đó, một số công ty đang rút lại các khoản đầu tư vào dây chuyền mới hoặc tạm ngừng tái cơ cấu nhà máy. Thay đổi này đang dần xuất hiện trên khắp chuỗi cung ứng ô tô.

Whirlpool tiết lộ rằng sự chững lại của thị trường nhà ở đang kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm tủ lạnh, máy rửa chén và các thiết bị gia dụng khác của họ. (Ảnh: Bloomberg).

Sự trì trệ của những nền kinh tế lớn khác, bao gồm Trung Quốc, cũng gây áp lực lên các doanh nghiệp Mỹ.

Chẳng hạn, nhà sản xuất thang máy và thang cuốn Otis Worldwide đã nâng nhẹ triển vọng lợi nhuận năm nay nhưng lại cắt giảm dự báo doanh số do nhu cầu ở Trung Quốc đi xuống.

Đồng USD tăng giá so với đồng tiền của các quốc gia khác cũng khiến hàng hoá sản xuất ở nước ngoài rẻ hơn. Vì vậy, người Mỹ đang có xu hướng ưu ái hàng nhập khẩu hơn, gây bất lợi cho các nhà sản xuất trong nước.

Ông Sohel Sareshwala, Giám đốc cấp cao của nhà sản xuất linh kiện bán dẫn, y sinh và thực phẩm Accu-Swiss, cho biết chính sách thuế quan của Mỹ thúc đẩy lạm phát và giữ cho giá thép không gỉ trong nước cao hơn so với mặt hàng của các đối thủ nước ngoài.

“Đồng USD mạnh mẽ thực sự tạo ra khác biệt lớn. Chi phí nguyên liệu thô của các đối thủ nước ngoài thấp hơn đáng kể so với chúng tôi”, ông Sareshwala bày tỏ.

Yên Khê