|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điểm danh 4 lỗi sai trong tiết kiệm, chi tiêu và lập ngân sách hầu hết chúng ta đều mắc phải

07:16 | 15/02/2023
Chia sẻ
Hầu hết chúng ta đều mắc quá nhiều sai lầm tương tự về tiền bạc, cụ thể là tiết kiệm, chi tiêu và quản lý ngân sách, đây là điều mà tác giả Jennifer Streaks sau 8 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính cá nhân đã nhận ra.

Bị động về mặt tài chính có thể khiến bạn mất “tiền tươi thóc thật”. Thật dễ dàng để nhấn nút hoảng loạn bất cứ khi nào chủ đề về tiền xuất hiện và đây là vấn đề chung với bất cứ ai.

Giải pháp ở đây là hãy chủ động bắt đầu lên kế hoạch từ trước khi bạn phải đi đến bước phải thực hiện, phải thay đổi. Không bao giờ là quá muộn để kiểm soát cách bạn xử lý tiền của mình cả trong tiết kiệm, chi tiêu và khiến thu nhập của bạn phục vụ bạn trong suốt quãng đời còn lại theo cách lý tưởng nhất, theo bài viết trên Business Insider.

Top sai lầm trong tiết kiệm, chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân

Trong thời kỳ bất ổn về kinh tế hoặc tài chính, lo lắng về việc bạn nên làm gì với số tiền của mình ngay bây giờ để đảm bảo ổn định tài chính lâu dài là điều bình thường. Dưới đây là một vài sai lầm phổ biến về tài chính cá nhân nhưng gần như chẳng ai chỉ ra.

Những sai lầm trong tiết kiệm, chi tiêu có thể khiến bạn làm mãi vẫn nghèo. (Nguồn: Manulife Singapore) 

1. Có sự mất kết nối giữa thói quen chi tiêu và tài khoản ngân hàng của bạn

Mỗi đồng tiền bạn kiếm được sẽ giúp bạn tiến gần hơn đến các mục tiêu tài chính của mình và dĩ nhiên, tiết kiệm là nền tảng của bất kỳ kế hoạch tài chính nào. Tuy vậy, có thể đôi khi việc chi tiêu của bạn có thể khiến các mục tiêu tiết kiệm tan thành mây khói.

Khi điều này xảy ra, không chỉ riêng bạn mà hầu hết mọi người dễ dàng đưa ra quyết định vội vàng cắt giảm mọi khoản chi tiêu – chẳng hạn như sẵn sàng cắt giảm chi tiêu liên tục trong 6 tháng dài để phục hồi nhưng thực tế, mức độ hạn chế đó không kéo dài và cuối cùng có thể dẫn đến bội chi.

Lời khuyên ở đây là, bạn không thể bù đắp thời gian đã mất trong việc tiết kiệm, điều tốt nhất nên làm là bắt đầu từ thời điểm hiện tại để tạo dựng và gắn bó với một kế hoạch tiết kiệm hợp lý. Phương pháp này bền vững hơn và sẽ mang lại cho bạn kết quả mong muốn theo thời gian, tiết kiệm ổn định và lâu dài.

2. Bạn không có quỹ khẩn cấp để đảm bảo an toàn

Ngày càng có nhiều người trên khắp thế giới lệ thuộc hoàn toàn vào tiền lương để sống và làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. Khi bạn không có quỹ khẩn cấp, một lần mất việc (bị sa thải bất ngờ, cắt giảm nhân sự) hoặc vấn đề y tế hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.

Một trở ngại tài chính bất ngờ sẽ không chỉ tác động tiêu cực đến bạn mà còn có thể ảnh hưởng đến những người thân yêu của bạn.

Phản ứng sai lầm ở đây là nghĩ rằng bạn không thể làm gì, hoặc nếu bạn không có hàng trăm triệu ngay lập tức trong quỹ khẩn cấp thì mọi khó khăn đều không thể được giải quyết. Thực tế, thay vì thất vọng hoặc quá lo lắng, bạn chỉ cần chủ động bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp ngay từ hôm nay.

Tiết kiệm nhất quán sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu chi phí sinh hoạt trong 6 tháng. Điều này sẽ mất thời gian và nỗ lực để hoàn thành, nhưng sự an tâm và tự tin mà quỹ khẩn cấp mang lại cho bạn sẽ rất xứng đáng.

3. Bỏ bê nhà cửa và nhu cầu bảo trì cơ sở vật chất, nội thất để tiết kiệm tiền

Kiểm tra sức khỏe, bảo trì và cập nhật các thiết bị gia dụng trong nhà cũng như giữ mọi thứ ở tình trạng tốt đều là một phần của nhiệm vụ bảo trì cần được thực hiện định kỳ để tránh trường hợp đến một lúc nào đó tất cả đều hỏng hóc, gặp vấn đề và chi phí bị đội lên một con số khổng lồ.

Tuy nhiên, khi đối mặt với những thách thức về tiền bạc, nhiệm vụ bảo trì thường là một trong những hạng mục đầu tiên mà mọi người ưu tiên cắt giảm ngân sách.

Điều này thường có thể dẫn đến thảm họa khi một vật dụng, thiết bị đắt đỏ nào đó bị hỏng và cần thay thế hoàn toàn, điều này có thể dẫn đến khoản chi tiền cực lớn mà chắc chắn rằng bạn sẽ không sẵn sàng chi. Bạn có thể vay một khoản lãi suất cao hoặc mua hàng bằng thẻ tín dụng để không phải bỏ tiền mặt tiết kiệm từ trước, nhưng hãy nhớ rằng cả 2 cách đều là khoản nợ cần phải trả nhanh vì lãi suất cao.

4. Chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất

Với sự không chắc chắn kéo dài của nền kinh tế và tình trạng sa thải nhiều hơn cả ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, người ta ngày càng quan tâm đến việc tạo nhiều nguồn thu nhập và đối với đa số mọi người, việc có một công việc phụ trở nên cần thiết.

Điều tồi tệ nhất cần làm là đợi cho đến khi bạn cần thêm tiền hoặc bị mất việc làm, sau đó mới nghĩ đến việc tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Chờ đợi để nghĩ đến việc tìm các nguồn thu nhập khác sau khi bạn mất việc là hành động phản tác dụng và sẽ đặt bạn vào tình thế luống cuống, bị động.

Nhìn chung, hãy trở nên chủ động đang tạo ra một nguồn thu nhập khác ngay bây giờ, ngay cả khi thu nhập đó gần như không đáng kể. Bạn sẽ an toàn hơn về mặt tài chính và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi tình huống tài chính xảy đến với bạn.

Thu Phương