Tiết kiệm nhiều tiền hơn vào năm mới 2023: Chỉ cắt giảm chi tiêu là chưa đủ?
Jill Robbins, một chuyên gia tài chính cá nhân đã chia sẻ với Business Insider về bài học tiết kiệm của mình với nhiều mẹo có thể dễ dàng áp dụng. Theo Jill, chồng cô và bản thân cô đều đã rời khỏi vị trí việc làm chính thức trong quân đội và họ có một khoản thu nhập lương hưu đáng kể.
Chồng cô tiếp tục làm một công việc toàn thời gian, còn Jill làm việc freelance. Hai người có 2 con đang học cấp 2 và đặt mục tiêu tiết kiệm để chuyển nhà trong vòng 3 năm tới.
Để giảm chi tiêu bốc đồng, đặt ngân sách thực tế cho những chi tiêu tại cửa hàng tạp hóa và hoạt động giải trí, đồng thời lập kế hoạch mua hàng tốt hơn thay vì chi tiêu dựa trên tình huống "thấy là muốn", gia đình Robbins đã đặt mục tiêu sẽ tiết kiệm, không chi tiêu trong tháng 11, tháng 12/2022 và tháng Giêng năm 2023, dĩ nhiên là với một số ngoại lệ đã được thỏa thuận trước.
Đối với nhà Robbins, không chi tiêu không có nghĩa là không mua sắm bất cứ thứ gì. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với khoảng thời gian tiết kiệm không mua hàng, không chi tiêu nhưng nhìn chung, tất cả dựa vào nguyên tắc không mua sắm quá tay, đồng thời hợp lý hóa ngân sách tạp hóa.
Đối với tình trạng cắt chi tiêu, điều đó không có nghĩa là không bao giờ có thêm khoản nào, mà là thắt chặt tài chính để hướng tới các mục tiêu tiết kiệm.
Dọn dẹp tủ quần áo, hủy đăng ký nhận email từ các shop, sàn TMĐT
Theo Jill, mặc dù chồng cô cũng đôi khi mua sắm bốc đồng nhưng phần lớn chi tiêu phù phiếm của gia đình là do bản thân cô. Jill sẽ tiêu tiền vào quần áo (cho bản thân và gia đình) và các mặt hàng chăm sóc cá nhân, chẳng hạn như mỹ phẩm cao cấp, thường xuyên hơn mức cần thiết.
Cô đã xem xét lại các giao dịch mua hàng trên sàn thương mại điện tử của mình và chi trung bình 400 USD mỗi tháng (tương đương khoảng 10 triệu) cho những thứ không thực sự cần thiết.
Thực tế, mua sắm quá nhiều sẽ không thể tiết kiệm, tệ hơn là bạn sẽ thấy mình có quá nhiều đồ thừa sau khi dọn dẹp tủ quần áo đang bị quá tải. Nhiều khi, chúng ta còn có thể mua những sản phẩm “na ná” những gì mình đã có.
Ngoài việc tự nhận thức và nghiêm khắc với bản thân, điều quan trọng là bạn nên tắt thông báo, dừng nhận email giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, từ đó loại bỏ cám dỗ chi tiền cho những gì không nằm trong kế hoạch của bạn. Bên cạnh đó, nếu phát hiện mình cần đồ mới, hãy thử tìm kiếm xem có thể dùng được gì trong những đồ hiện có, tránh tâm lý “mua ngay khi cần”.
Tiết kiệm bằng cách “tránh xa” các nhà hàng
Hiện tại, chi tiêu cho hàng tạp hóa hàng tuần của gia đình Robbins là khoảng 50 USD (hơn 1 triệu đồng) cho đồ dễ hỏng và đồ vệ sinh cá nhân thiết yếu. Họ cũng hiện đang lên kế hoạch cho bữa ăn của mình xung quanh những gì có trong tủ đông và tủ đựng thức ăn. Đây vừa là một sáng kiến tiết kiệm tiền vừa là một nỗ lực để đảm bảo thực phẩm có sẵn không bị lãng phí.
Thay vì gọi đồ ăn sẵn, đền nhà hàng, đi xem phim hay nhiều hoạt động giải trí đều được gia đình Robbins thống nhất cắt giảm. Họ bắt đầu tìm kiếm các sự kiện miễn phí của cộng đồng như những sự kiện mở cửa miễn phí. Dĩ nhiên, theo Jill thì mục tiêu không phải là sống thiếu thốn mãi mãi chỉ để tiết kiệm - mà là chú ý hơn đến việc chi tiêu.
Thử những cách để tiết kiệm tiền khác
Sau nhiều năm chi tiêu thỏa mãn tức thời, thật khó để hình thành thói quen dự đoán các khoản mua sắm nhỏ hơn. Mặc dù Jill nhận thức được khoản tiết kiệm đại học cho con cái hay mua xe, mua nhà mới nhưng thực tế, nhiều khi các khoản như mua đồ mới theo mùa, thiết bị thể thao,… cũng là khoản chi không nhỏ.
Cách thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm cho các trường hợp này được gợi ý như sau: Tìm đến các cửa hàng tiết kiệm và các trang web bán giảm giá thường xuyên hơn; nếu đồ ít sử dụng thì bạn có thể cân nhắc mua đồ cũ hoặc đi thuê thay vì mua mới hoàn toàn.
Ngoài ra, theo Jill Robbins, muốn tiết kiệm thì bạn cũng cần chú ý đến các dịch vụ đăng ký và gia hạn tự động, cách này cũng giúp tiết kiệm một khoản đáng kể mỗi năm.