|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dịch vụ in mã QR tiêm chủng lên thẻ, ốp điện thoại nở rộ

07:34 | 05/10/2021
Chia sẻ
Do nhu cầu sử dụng mã QR tăng cao, nhiều dịch vụ in ấn đã kịp thời bắt trend, triển khai in dịch vụ lên thẻ đeo, ốp điện thoại,... phục vụ người dân.

Thẻ COVID-19 được xem là công cụ giúp nhiều địa phương kiểm soát hoạt động di chuyển của người dân sau ngày 1/10, thời điểm nới lỏng dịch bệnh sau giãn cách. Và trong những ngày gần đây, các dịch vụ in ấn rất thính nhạy với thời cuộc khi cung cấp dịch vụ in mã QR có thông tin tiêm vắc xin lên thẻ, điện thoại và thậm chí là áo cho người có nhu cầu.

Trong group cộng đồng của chung cư Tây Thạnh (Tân Phú, TP HCM), có một người đã chào hàng dịch vụ in thẻ của mình với giá 40.000 cho một tấm thẻ chất liệu nhựa PVC, kích thước bằng thẻ ATM. Theo người này giới thiệu, thẻ in mã QR sẽ thuận tiện cho mọi người khi xuất trình trong lúc đi đường, công tác... Với các chất liệu như giấy,... giá in sẽ rẻ hơn, dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng.

Dịch vụ in ấn mã QR tiêm chủng bùng nổ. (Ảnh: Chụp màn hình).

Nhiều người chia sẻ, họ chọn in QR code để tiện thao tác, đỡ tốn thời gian khi tìm mở máy điện thoại. Với số khác, việc in mã QR code lên thẻ cũng nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế nguy cơ bị cướp giật hoặc làm rơi điện thoại.

Mới đây,  diễn viên Hồ Bích Trâm cũng đăng lên trang Facebook cá nhân cho biết đã in chứng nhận tiêm vắc xin của cô lên giấy, sau đó ép nhựa. Theo nữ diễn viên, việc in chứng nhận tiêm ra thẻ giúp cô tránh được bất tiện khi phải lấy điện thoại ra nhiều lần và đề phòng cướp giật.

Ngoài dịch vụ in thẻ, ốp điện thoại cũng được nhiều người chọn in mã QR.

"Đây là phụ kiện không thể thiếu cho mọi người trong mùa dịch đặc biệt là các shipper, tài xế công nghệ, người thường xuyên ra đường giai đoạn khó khăn này", một shop kinh doanh dịch vụ in ốp quảng cáo. Giá in ốp điện thoại tại đây là 120.000 đồng cho ốp kính và 170.000 đồng cho ốp 4D.

Bên cạnh đó, shop này cũng trấn an khách hàng về vấn đề đánh cắp thông tin cá nhân. "Mỗi người mỗi mã riêng để di chuyển nên khách đừng hiểu nhầm là quét sẽ lộ thông tin của mình. Hãy an tâm", shop in ấn này cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Thế Hùng từ công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ A.Yersin chia sẻ với VTV: "Đa số các mã QR chứa hàm lượng thông tin cá nhân liên quan đến người sở hữu. Vì vậy, về mặt chuyên môn , chúng tôi khuyến cáo không nên chia sẻ mã QR lên các mạng xã hội như Facebook".

Với chiếc điện thoại trong tay, chỉ một thao tác đơn giản là quét mã QR thẻ COVID-19 là có thể dễ dàng có ngay thông tin của cá nhân đó. Cụ thể là dễ dàng biết được người đó là ai, số điện thoại, số thẻ chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân như thế nào. Những thông tin cá nhân như vậy nếu rơi vào đối tượng có ý đồ xấu thì khó mà lường hết những điều tai hại.

Gần đây trên Facebook cá nhân, ông Nguyễn Hữu Tuất (CEO và đồng sáng lập ứng dụng gọi xe FastGo) cho rằng mã QR là một cơ hội kinh doanh tốt. Cụ thể, ông Tuất nhận định nhu cầu in mã QR và chứng nhận tiêm chủng lên áo sẽ rất hot trong thời gian tới.

"SmartPhone không phải ai cũng có, lúc nào cũng mang theo. Nhưng áo lúc nào cũng phải mặc ra đường", CEO FastGo phân tích.

Thùy Trang

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.