|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch COVID-19: Ngành công thương và nông nghiệp chịu trách nhiệm trước nhân dân không để đứt gãy chuỗi cung ứng

19:05 | 18/07/2021
Chia sẻ
Sáng 18/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp trực tuyến với các Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường phía Nam nhằm tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố từ 0h ngày 19/7.

Cung ứng chưa sát thực tế

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng. 

Có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp thời do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa. Đối với lực lượng phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân, mỗi ngày có từ 200.000 – 210.000 người hoạt động trong các chợ đầu mối.

Tuy nhiên, những ngày qua chỉ có 2.000 người hoạt động ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các vùng ven đô xung quanh TP HCM thực hiện giãn cách nên xảy ra thiếu hụt và đứt gãy nghiêm trọng nguồn lao động.

Dịch COVID-19: Ngành công thương và nông nghiệp chịu trách nhiệm trước nhân dân không để đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Khách hàng mua sắm tại Aeon Mall. (Ảnh: Tường Vy).

Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, các vùng và 3 miền khó khăn, gây "hỗn loạn" cho khu vực, nếu không có biện pháp kịp thời tình hình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tại chợ đầu mối, việc mua bán ở chợ là cuộc sống của người dân ven đô, nay đóng cửa khiến hàng vạn người bị ảnh hưởng. Do vậy, từ 6h30 ngày 18/7, thành phố đã nhất trí cho mở lại một số chợ truyền thống khiến bà con tiểu thương rất phấn khởi.

Thế nhưng, nếu mở lại chợ đầu mối sẽ phải kèm theo những điều kiện phòng, chống dịch, áp dụng biện pháp 5K, khử khuẩn thường xuyên, tiêm vaccine và xét nghiệm cho tiểu thương.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, diễn biến dịch đang phức tạp và nghiêm trọng. Vì thế, việc cung ứng hàng hóa là vấn đề hết sức khó khăn, nếu thiếu hàng hóa thiết yếu người dân sẽ không đủ lực dập dịch và kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây không phải là lần cách ly đầu tiên theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng chúng ta phải xác định tính chất hoàn toàn khác so với lần cách ly trước. Dịch có thể bùng phát mạnh hơn, có thể đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, thuốc men... 

Do đó, việc lưu thông sẽ khó khăn hơn và nếu không giải quyết được sẽ nảy sinh vấn đề xã hội nên trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu.

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cho biết, TP HCM đã có kinh nghiệm chống dịch, nhưng các tỉnh, thành phố mới áp dụng Chỉ thị 16 ít nhiều sẽ gặp khó khăn và tình hình sẽ thay đổi từng giờ. Bởi thế cần xác định tính chất thời điểm hiện nay như đang là "thời chiến" vì dự kiến hàng hóa sẽ có những xáo trộn.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay khác và rất khác so với bình thường nên có một vài nơi hàng hóa thiếu, giá cao là chuyện bình thường. 

Hơn nữa, tại các chợ đầu mối ở TP HCM dừng hoạt động làm thiếu hụt hàng hóa cho người dân và cũng gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố khác do thiếu đầu ra và nơi cung cấp hàng hóa. 

Do đó, đề nghị không đóng cửa tất cả các chợ đầu mối, chợ truyền thống tại 16 tỉnh, thành phố mới áp dụng Chỉ thị 16. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; tăng giờ bán tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các điểm bán lưu động.

Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Phó Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam nhấn mạnh: Mặc dù có nhiều kinh nghiệm, kịch bản và trải qua thực tiễn nên lược hàng hóa cung ứng đã được chuẩn bị tăng gấp 3 lần. Dù vậy, tại một số thời điểm vẫn có tình trạng thiếu hàng cục bộ.

Theo ông Trần Duy Đông, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi là công cụ chính; có việc giá cả tăng 5-  10%, rau, củ, quả tươi sống tăng mạnh có nơi lên đến 50 - 60% do thiếu nguồn cung cục bộ bởi thời gian vận chuyển tăng, chi phí nhân công tăng cao liên tục từ kho đến cửa hàng, chi phí lấy giấy xét nghiệm chỉ có tác dụng trong 3 ngày.

Do đó, ông Trần Duy Đông kiến nghị thiết lập kho trung chuyển ngay cạnh các chợ đầu mối, sớm mở chợ đầu mối với 3 biện pháp kiểm soát và TP HCM hỗ trợ các hệ thống phân phối như SaigonCo.op, Strata có thêm mặt bằng để lưu kho, vận chuyển; cung cấp danh sách các nhà cung ứng đảm bảo.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, trước thực trạng TP HCM thông báo thiếu 200 triệu quả trứng gà, Ban chỉ đạo đã liên hệ với các đơn vị lớn như Dabaco, Ba Huân, kết hợp với VnPosst chuyển ngay vào TP HCM để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tại cuộc họp trực tuyến, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM Nguyễn Nguyên Phương cho hay, Thành phố gặp khó khăn về việc thu mua hàng hóa, đáp ứng nhu cầu. Do đó, khi áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố cần bảo vệ vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, trồng trọt.

Ông Nguyễn Minh Phương cũng chia sẻ thêm rằng, do doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu mua nên hàng hóa tăng giá. Trong khi đó, danh sách cung ứng hàng hóa mà Bộ cung cấp không phù hợp, không sát thực tế, có đơn vị năng lực cung ứng là chục nghìn tấn, nhưng khi liên hệ cung cấp chỉ được rất ít.

Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM Trương Văn Ba, khi mở lại các chợ truyền thống phải kết nối được các nhà cung cấp để cung ứng đủ hàng hóa mới ngăn chặn được tình trạng tăng giá. 

Do đó, ông Trương Văn Ba đề nghị Bộ Tài chính điều tra các vụ nâng giá không hợp lý, Sở Công thương thành phố cần có đủ nguồn hàng, tạo mọi điều kiện ưu tiên trong vận chuyển.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh đã chuẩn bị các phương án cụ thể về cung ứng hàng hóa trên cơ sở nhu cầu của người dân và khả năng cung cấp nguồn hàng hóa trên địa bàn cũng như các tỉnh lân cận. 

Vì vậy, thời gian qua việc cung ứng hàng hóa không quá khó khăn. Khó khăn của xã thì huyện giải quyết, khó khăn của huyện thì tỉnh giải quyết.

Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị 16 thì tỉnh gặp 2 khó khăn lớn là lượng mua của người dân quá lớn dẫn đến không kịp cung ứng. Ngoài ra, một số mặt hàng tỉnh không sản xuất được, phải vận chuyển từ tỉnh khác nhưng việc lưu thông, vận chuyển khó khăn dẫn đến giá cả bị đẩy lên cao.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, tại Hậu Giang một số mặt hàng tăng giá do tâm lý người dân tăng mua tích trữ. Giá bán tại chợ các mặt hàng nông sản cần thiết tăng từ 30 - 40%, nhưng giá thu mua trong dân không tăng.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp đang vào vụ thu hoạch lúa Hè thu và chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Thu đông, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến nông sản đảm bảo cung cấp. Vật tư đầu vào sản xuất tăng, nhất là phân bón. 

Không chỉ vậy, việc vận chuyển nông sản gặp khó do kiểm soát qua chốt kiểm dịch, làm kéo dài thời gian, tỷ lệ hư hỏng cao làm đội giá bán. Bởi vậy, kiến nghị ngành y tế tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi hơn cho xe vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Dịch COVID-19: Ngành công thương và nông nghiệp chịu trách nhiệm trước nhân dân không để đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Khách hàng mua sắm tại Aeon Mall. (Ảnh: Tường Vy).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, lúc này cần tạo sự thông suốt thị trường bởi thực tế dịch bệnh diễn biến rất nhanh nên địa phương phải nắm chắc tình hình, đi xuống địa bàn, vùng nguyên liệu lớn để nắm thông tin, xử lý thông tin, kết nối thông tin cung cầu hàng hóa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh tới 3 khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện, cùng ngồi với nhau để xử lý vướng mắc.

Vì thế các đơn vị phải phối hợp đồng thời giữa việc điều tiết của thị trường và Nhà nước, khi tình thế khó khăn hơn Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vào vận chuyển, phân phối hàng hóa.

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, diễn biến dịch ở TP HCM và các tỉnh, thành phố khu vực  Nam đang rất phức tạp và tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong các ngày tới. Vì vậy, việc cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu là nhiệm vụ lớn nên cần xác định tâm thế đây là "thời chiến" chứ không phải trong điều kiện bình thường.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong mọi tình huống hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phối hợp và tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, tập trung thực hiện các nhiệm vụ. Trước hết là khẩn trương đánh giá dự báo tình hình, khảo sát và nắm bắt đúng nhu cầu hàng hóa thiết yếu từng địa bàn, từ đó đưa ra cân đối cung cầu tại chỗ.

"Quan trọng là địa phương phải kê được cái gì mình có, cái gì mình thiếu, cần mua, cần bán, trên cơ sở đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo hai Bộ mới có thể điều tiết được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các địa phương phải xây dựng kịch bản trong tình huống mức độ cao hơn. Trước hết có thể áp dụng cơ chế thị trường, phân phối hàng hóa mua bán trao đổi, nhưng nếu tình hình phức tạp, vai trò của Nhà nước rất quan trọng. 

Đồng thời, nhất trí với đề xuất tiếp tục duy trì chợ đầu mối kèm theo điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đơn cử như áp dụng biện pháp giãn cách, cấp mã QR hoặc phát thẻ cho người dân vào chợ, đảm bảo an toàn giao dịch ở chợ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời, cái gì cần bán phải kết nối nơi cần mua để giải quyết bài toán thừa - thiếu.

Với vùng nuôi trồng bị đứt gãy chuỗi cung ứng phải báo cáo ngay với hai Bộ, trong trường hợp cần thiết kiến nghị huy động lực lượng quân đội tại chỗ, sẵn sàng.

Nhấn mạnh vai trò của quản lý thị trường là lực lượng chủ công, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần chủ động, bám sát tình hình, xử lý nghiêm hiện tượng găm hàng, nâng giá, trục lợi, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. 

Đặc biệt, ngay trong hôm nay Tổng cục Quản lý thị trường phải cử thêm lực lượng vào khu vực phía Nam để kiểm tra, xử lý kịp thời việc vi phạm, găm hàng nâng giá, hàng giả, hàng kém chất lượng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Uyên Hương

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.