|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dịch ASF lây lan tại Đà Nẵng, nhu cầu thịt heo tại nhiều chợ đầu mối giảm gần 50%

18:38 | 07/06/2019
Chia sẻ
Sự lây lan của dịch tả heo châu Phi (ASF) tại Đà Nẵng khiến nhu cầu tiêu thụ và giá thịt heo giảm mạnh, nhưng thúc đẩy giá và lượng tiêu thụ của các loại protein khác như tôm, cá, mực, thịt bò.

Thêm một trường hợp nhiễm virus ASF tại Đà Nẵng

Theo báo Đà Nẵng, chiều 6/6, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa Vang cho biết trong ngày, các lực lượng chức năng tập trung xử lí ổ dịch ASF mới xuất hiện ở thôn Phú Sơn 1, xã Hòa Khương và tiêu hủy toàn bộ 9 con heo trong đàn, trong đó có con đang còn khỏe mạnh, không để ủ dịch và lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, xử lí 1 xác heo chết bị người dân vứt tại khu vực tập kết rác thải sinh hoạt ở thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, một số ổ dịch ASF mới xuất hiện trên địa bàn huyện có nguyên nhân từ sự chủ quan của người chăn nuôi; đặc biệt là việc cho heo ăn thức ăn thừa được chở về từ các nhà hàng, khách sạn, nhà dân ở các quận nội thành của thành phố. 

Phòng NN&PTNT huyện nhận định, virus gây bệnh dịch ASF không lây lan qua môi trường không khí mà lưu trú trong sản phẩm thịt heo từ thức ăn thừa và trên quần áo, tay chân của người rồi theo người di chuyển từ khu vực có dịch sang khu vực không có dịch; đặc biệt lây truyền từ  tay, chân của người nuôi heo không thực hiện vệ sinh tay, chân trước khi vào cho heo ăn, tắm cho heo…

Phòng NN&PTNT huyện đã đề nghị UBND các xã tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi heo biết mối nguy lây lan dịch ASF từ thức ăn; đồng thời tuyên truyền, thông báo và nghiêm cấm người dân vứt xác heo chết bừa bãi ra môi trường.

Trong ngày 6/6, các địa phương của huyện Hòa Vang tiếp tục phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn.

Dịch ASF lây lan tại Đà Nẵng, nhu cầu thịt heo tại nhiều chợ đầu mối giảm gần 50% - Ảnh 1.

Ảnh: weberbbq.com.au

Nhu cầu tiêu thụ, giá thịt heo giảm mạnh

Chiều cùng ngày, khảo sát giá cả tại các chợ cho thấy do ảnh hưởng của dịch ASF, gần 4 ngày qua, sản lượng tiêu thụ thịt heo tại các chợ sụt giảm, có nơi lên đến gần 50% như chợ Đầu mối Hòa Cường, chợ Mới, chợ Hàn… 

Nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết thời điểm trước khi xảy ra dịch, trung bình mỗi ngày bán từ 1 - 2 con heo (loại 60kg/ con), nhưng vài ngày qua, giảm xuống chỉ còn một nửa. 

Giá thịt cũng giảm xuống, cụ thể, thịt vai từ 90.000 đồng/kg còn 75.000 đồng - 80.000 đồng/kg, sườn non từ 110.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg, ba chỉ giảm từ 80.000 đồng/kg còn 70.000 - 75.000 đồng/kg, thịt cốt-lết giảm từ 90.000 đồng còn 80.000 đồng/kg… 

Tại chợ Mới, nhiều tiểu thương cho biết, vài ngày qua, việc tiêu thụ thịt heo giảm xuống hẳn, ngay cả những đầu mối cung cấp nguồn thịt heo quê (vốn được tin tưởng và có sức tiêu thụ mạnh) cũng giảm sút 1/3 sản lượng so với khoảng 1 tuần trước đây.

Trong khi đó, giá một số mặt hàng như tôm, cá, mực, thịt bò… tăng lên so với thời điểm cách đây khoảng 1 tuần, lượng tiêu thụ cũng nhích từ 5 - 10kg/loại.

Nguyên nhân là lo ngại thịt heo nhiễm virus ASF nên hiện nay người dân chuyển qua sử dụng các loại tôm, cá, mực, thịt bò nên giá cả cũng như sản lượng tiêu thụ các mặt hàng này tăng lên. Đơn cử, giá các loại cá như cá thu, cá ngừ, nục, cá chim trắng… tăng từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. 

Trong đó, cá thu nguyên con có giá 180.000 đồng/kg, cá thu nạc có giá 250.000 đồng/kg, cá nục có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại, cá chim trắng có giá 160.000 đồng/kg; cá ngừ có giá 100.000 đồng/kg, tôm sông loại lớn có giá 180.000 - 200.000 đồng/kg, mực các loại có giá từ 180.000 - 280.000 đồng/kg… 

Thịt bò sản lượng tiêu thụ tăng nhưng mức giá vẫn giữ nguyên; loại 1 có giá 250.000 đồng/kg, loại 2 có giá 200.000 đồng/kg.

Dịp này, do trùng với Tết Đoan Ngọ (mồng 5/5), các loại gà, vịt được tiêu thụ mạnh. Giá gà ta là 150.000 - 160.000 đồng/kg, gà công nghiệp 140.000 - 150.000 đồng/kg, vịt loại 2kg/con có giá 120.000 đồng…

Lyly Cao

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.