Dịch ASF đầu tiên được báo cáo tại phía nam Trung Quốc dấy lên lo ngại nguồn cung thịt heo
Hai trường hợp mới được báo cáo tại phía tây nam tỉnh Vân Nam hôm 21/10, khi Trung Quốc đang bước vào giai đoạn sản xuất heo cao nhất trước dịp Tết Nguyên đán, sẽ diễn ra vào đầu tháng 2/2019.
“Điều chúng tôi lo ngại nhất đã xảy ra”, chuyên gia phân tích Feng Yonghui tại Soozhu.com cho biết khi nói về sự lây lan của dịch bệnh từ đông bắc tới tây nam tại Trung Quốc.
Trung Quốc đã báo cáo hơn 40 trường hợp bùng phát dịch bệnh lây lan cao tại 11 tỉnh, thành và tiêu hủy khoảng 200.000 con heo. Tất cả trường hợp bùng phát đều được ghi nhận tại các tỉnh phía bắc và đông cho tới khi ổ dịch đầu tiên được báo cáo tại Vân Nam.
Những đợt bùng phát mới nhất, được đài CCTV báo cáo đầu tiên, là tại hai trang trại nhỏ ở Zhaotong, một thành phố nằm ở phía đông bắc tỉnh Vân Nam. Thứ Hai (22/10), một trường hợp khác được báo cáo tại phía đông tỉnh Chiết Giang.
Zhaotong cách thành phố Thẩm Dương 3.000 km về phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, nơi ổ dịch đầu tiên được báo cáo vào đầu tháng 8.
“Hiện, chỉ còn một vài tỉnh vẫn chưa xác nhận bất cứ trường hợp nhiễm bệnh nào, nhưng không có khả năng các khu vực này sẽ thoát khỏi dịch bệnh. Về cơ bản, nó đã xuất hiện ở mọi nơi”, Pan Chenjun, một chuyên gia phân tích cấp cao tại Rabobank, cho biết.
Ảnh: Reuters. |
Tổng cộng 545 con heo đã chết tại hai trang trại tại Zhaotong khi dịch bệnh được xác nhận. Theo một thông báo đăng tải trên trang web của cơ quan truyền thông quốc gia Yunnan Daily hôm 22/10, gần 7.000 con heo trong vòng 3 km quanh trang trại nhiễm bệnh sẽ bị tiêu hủy ngay trong ngày thứ Hai (22/10).
Trường hợp bùng phát dịch bệnh tại phía tây nam có thể ảnh hưởng lớn tới thị trường thịt heo, khi khu vực vừa sản xuất và tiêu thụ thịt heo nhiều nhất Trung Quốc, các chuyên gia phân tích cảnh báo.
“Tại khu vực tây nam, mọi người đều tiêu thụ thịt heo, không tính đến mức lương của họ là bao nhiêu”, theo chuyên gia phân tích Feng.
Tỉnh Tứ Xuyên, giáp với Vân Nam, là khu vực với trang trại chăn nuôi heo lớn nhất Trung Quốc, giết mổ 69 triệu con heo trong năm 2016, theo dữ liệu chính thức từ chính phủ. Khu vực Quảng Tây, cũng giáp với Vân Nam, sản xuất 33 triệu con heo trong năm 2016 và đã mở rộng sản xuất.
Người dân tại Tứ Xuyên tiêu thụ 68 kg thịt heo một người mỗi năm, theo nghiên cứu của Rabobank, nhiều hơn so với mức 20 kg tại tỉnh Sơn Tây ở phía Bắc Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc cấm vận chuyển heo sống từ Vân Nam và các tỉnh lân cận như đã làm sau khi những đợt bùng phát được báo cáo tại các tỉnh phía bắc, nguồn cung tại phía nam có thể giảm xuống.
Hạn chế vận chuyển sẽ là kịch bản tồi tệ nhất, theo chuyên gia phân tích Pan của Robobank. Ông cũng lưu ý rằng, Quảng Tây là nguồn cung chính của tỉnh Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc.
Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra nguồn gốc dịch bệnh vượt biên giới và xuất hiện tại quốc gia này.
Chỉ còn một vài tháng cho tới khi thời điểm tiêu thụ thịt heo lên cao nhất vào dịp Tết Nguyên đán, bộ nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo hôm 19/10, giá heo hơi sẽ tăng trước dịp lễ hội vì sự lây lan của dịch bệnh.
Vì lệnh cấm vận chuyển heo sống, nguồn cung bị giữ lại tại phía bắc không thể đáp ứng nhu cầu tại phía nam, gây ra sự chênh lệch về giá. Giá heo hơi tại phía đông tỉnh Chiết Giang đã lên tới 20 nhân dân tệ vào đầu tháng 10, trong khi tỉnh Liêu Ninh giảm còn 10 nhân dân tệ/kg.
Giá heo tại Vân Nam đã giảm 0,3 nhân dân tệ hôm 22/10 xuống 14,7 nhân dân tệ/kg, theo dữ liệu thu thập từ công ty China-America Commodity Data Analytics.