Hàng loạt ổ dịch ASF mới được báo cáo tại Trung Quốc
Trung Quốc đang trải qua một đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi (ASF) lớn và nghiệm trọng nhất khi báo cáo mới nhất từ bộ nông nghiệp xác nhận trường hợp nhiễm bệnh mới nhất tại Thiên Tân, cách Bắc Kinh 120 km về phía đông nam.
Theo đó, dịch bệnh được phát hiện tại một trang trại có 639 con heo, với 292 con nhiễm bệnh và 189 con chết vì dịch ASF. Đợt bùng phát này cho thấy, dịch ASF đã lan gần tới thủ đô của Trung Quốc kể từ khi ổ dịch đầu tiên trên cả nước được báo cáo hôm 3/8.
Trước đó, trong một thông báo công bố ngày 15/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển (Bộ NN&PTNT) Trung Quốc cũng xác nhận ổ dịch tại một trang trại lớn phía đồng bắc tỉnh Liêu Ninh với gần 20.000 con heo.
Cụ thể, ổ dịch bùng phát tại một trang trại có 19.938 con heo tại thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh với tổng cổng 221 con heo đã chết.
Các trang trại công nghiệp phần lớn vẫn không bị nhiễm virus cho tới thời điểm này, nhưng với diễn biến hiện tại được coi là sự leo thang đáng kể của cuộc khủng hoảng đã gây ra thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi heo trị giá 1.000 tỉ USD của Trung Quốc.
Hàng loạt ổ dịch ASF mới được báo cáo tại Trung Quốc. |
“Thực tế, ổ dịch được xác nhận tại một trang trại chăn nuôi heo lớn cho thấy diễn biến của dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng", ông Yao Guiling, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn China-America Commodity Data Analytics, cho biết.
“Các công ty lớn thường có những biện pháp bảo vệ sinh học tốt hơn. (Sự bùng phát mới) nhấn mạnh tầm khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Các doanh nghiệp sẽ có thể phải suy nghĩ lại hoặc làm chậm lại kế hoạch mở rộng sản xuất của mình”.
Reuters cho biết dịch bệnh cũng đã được xác nhận tại hai trang trại khác trong khu vực. Một trang trại với 1.571 con heo tại thành phố Panjin đã báo cáo bùng phát dịch ASF, giết chết 109 con heo. Còn 129 con trong tổng số 270 con heo đã chết vì dịch ASF tại một trang trại nhỏ, cũng tại thành phố Panjin.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã báo cáo hơn 30 trường hợp bùng phát dịch ASF, vốn không có phương cách cứu chữa và vacxin phòng bệnh nhưng không lây nhiễm sang người.
Trung Quốc đã triển khai hàng loạt các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh kể từ khi trường hợp đầu tiên được xác nhận vào đầu tháng 8, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Giá heo hơi đã giảm mạnh tại các tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc sau khi nhiều hộ chăn nuôi không thể vận chuyển đàn heo của mình ra khỏi những tỉnh bị nhiễm bệnh, trong khi giá heo tại phía nam lại tăng đột biến.
Thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh mới đã khiến cổ phiếu của công ty Phát triển & Đầu tư Henan Shuanghui, nhà sản xuất thịt heo hàng đầu của Trung Quốc, chốt phiên giao dịch ngày 15/10 với mức giảm 7%, theo Reuters.
Tháng trước, dịch bệnh cũng được phát hiện tại Bỉ. Ngoài ra, các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) gồm Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Romania và Bulgaria cũng đã báo cáo nhiễm dịch ASF trước đó.