Đi tìm ý tưởng đầu tư cổ phiếu trong tháng 7
Báo cáo danh mục đầu tư mới đây của Agriseco cho biết kết thúc tháng 6, VN-Index đóng cửa tại 1.245 điểm, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 10,2% kể từ đầu năm. Thanh khoản duy trì ở mức cao và đạt bình quân hơn 26.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6. Thị trường gặp khó khăn khi tiệm cận vùng kháng cự 1.300 điểm và đã có mức giảm gần 60 điểm trong hai tuần.
Hiện nay, mặt bằng định giá thị trường đang về vùng hấp dẫn với mức P/E toàn thị trường đạt 13,9x, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy thị trường sắp ở trạng thái quá bán và có thể sớm xuất hiện những nhịp hồi phục trong giai đoạn tới.
Số liệu kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2024 đã được công bố với nhiều tín hiệu khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, xuất nhập khẩu tăng trưởng 2 chữ số. Điều này giúp kỳ vọng vào sự phục hồi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, qua đó hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.
Cũng theo nhóm phân tích, yếu tố rủi ro trong tháng 7 cần quan tâm là tỷ giá vẫn đang chịu áp lực đồng thời khối ngoại bán ròng liên tục với quy mô hơn 50.000 tỷ đồng từ đầu năm và 16.500 tỷ đồng trong tháng 6.
Mặc dù vậy, các yếu tố này được kỳ vọng sẽ đảo chiều trong giai đoạn cuối năm khi Fed hạ lãi suất giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, đồng thời những kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường trong năm 2025 sẽ giúp tăng tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Agriseco khuyến nghị lựa chọn những cổ phiếu tiềm năng trong tháng 7 tập trung vào câu chuyện kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II tốt, ưu tiên những doanh nghiệp đầu ngành và định giá đang ở vùng hợp lý để giải ngân. Báo cáo tháng 7 đưa ra 6 ý tưởng đầu tư gồm: ACB, BSR, DPR, HPG, MWG và VCS.
Theo Agriseco, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự kiến tăng trưởng tín dụng tích cực nhờ phân khúc cho vay khách hàng doanh nghiệp; biên lãi ròng (NIM) năm 2024 cải thiện nhe so với 2023; chất lượng tài sản duy trì ổn định; định giá hấp dẫn khi cổ phiếu đang giao dịch tại P/B là 1,4x.
Đối với CTCP Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (BSR), luận điểm đầu tư gồm crackspread có xu hướng mở rộng vào nửa cuối năm 2024; triển vọng dài hạn từ Dự án Nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất; kế hoạch chuyển niêm yết sàn HOSE.
Nhóm phân tích kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) tăng trưởng nhờ diễn biến giá cao su tăng tích cực. Công ty này còn có tiềm năng từ mảng khu công nghiệp, khi dự án khu công nghiệp Bắc Đồng Phú mở rộng đã hoàn thiện pháp lý và đang chờ chấp thuận của Chính phủ.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng sản lượng tiêu thụ tiếp tục được cải thiện. Biên lợi nhuận gộp dự báo sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Về dài hạn, dự án khu Liên Hợp Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ quý I/2025.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) có tình hình kinh doanh khởi sắc trong 5 tháng đầu năm. Chuỗi Bách Hóa Xanh tiếp tục là điểm sáng cho doanh thu toàn công ty.
Mặt khác, Chuỗi điện máy Era Blue tại Indonesia có nhiều tiềm năng. Trong quý I, chuỗi Era Blue đã có 55 cửa hàng bao gồm mô hình mini và supermini. Mặc dù ghi nhận mức lỗ 45 tỷ đồng trong quý I, ban lãnh đạo MWG dự kiến chuỗi này có thể sớm đạt điểm hòa vốn từ cuối năm 2024.
Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II của CTCP Vicostone (VCS) tiếp tục phục hồi nhờ hoạt động xuất khẩu chuyển biến tích cực. Với việc mua lại nhà máy Phenikaa Chemical sản xuất nhựa UP - một trong những vật liệu đầu vào quan trọng để sản xuất đá nhân tạo chiếm 40-50% chi phí đầu vào, công ty có thể cải thiện biên lợi nhuận đáng kể.
Cổ phiếu VCS hiện đang được giao dịch với mức P/B là 2,3x và P/E là 13x đều ở mức thấp hơn trung bình quá khứ 5 năm trở lại đây. Ngoài ra, Vicostone cũng sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh và trả cổ tức tiền mặt đều hàng năm với suất cổ tức khoảng 5 - 6% mỗi năm.