Di dời nhà máy Rạng Đông sang Bắc Ninh
Theo Phó tổng giám đốc công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông Trần Trung Tưởng, công ty cùng Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng), Urenco 10 và Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã chốt phương án khử độc, vận chuyển và xử lý rác thải.
Binh chủng Hoá học tới tẩy độc kho nhà máy Rạng Đông sáng nay. Ảnh: Trần Thường
Bên trong công ty Rạng Đông, các lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ.
Về kế hoạch di dời nhà máy, công ty Rạng Đông không nằm trong danh mục buộc phải di dời trước năm 2020. Thế nhưng lãnh đạo công ty đã có kế hoạch di dời sang Quế Võ (Bắc Ninh), đồng thời đã mua thêm đất ở khu vực đó cách đây 2 năm.
Ngoài ra, công ty đã thuê một đơn vị thiết kế toàn bộ nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, đã trình phương án, gửi văn bản đến công ty Rạng Đông các thiết kế chi tiết về nhà máy ở Bắc Ninh.
Đại hội cổ đông của công ty Rạng Đông hồi tháng 5 vừa qua cũng đã chuẩn y kinh phí, tiến độ di dời nhà máy sang Bắc Ninh, từ nay đến năm 2022 phải hoàn thành tiến độ.
Hà Nội vẫn chưa quyết liệt việc di dời cơ sở công nghiệp
Trao đổi với báo chí, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và TP đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời.
Hà Nội cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí Mai Động.
Ảnh: Trần Thường
“Hà Nội có những cơ chế, chính sách rất ưu tiên. Nhà máy cơ khí Mai Động, Dệt 8/3 được giới thiệu địa điểm thích hợp, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên.
Ngay như công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cũng được giới thiệu vị trí để di dời”, ông Nghiêm nói.
Theo ông, thực tế Hà Nội vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc di dời hết các đơn vị cơ sở công nghiệp này.
Nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với địa điểm mới. Khó khăn chủ yếu là nhiều đơn vị không đủ nguồn để thực hiện di dời.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng. Vì vậy tồn tại một thực tế là nhiều khu nhà xưởng của cơ sở công nghiệp nằm sát vách với nhà dân.
Trong báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật Thủ đô, UBND TP Hà Nội cho hay, thực hiện quyết định của Thủ tướng, TP đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
TP đã tổ chức việc quan trắc, phân tích đánh giá ô nhiễm môi trường tại các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 12 quận nội thành.
Đồng thời thực hiện việc rà soát, đối chiếu, xác định các cơ sở không phù hợp quy hoạch và dự kiến quy hoạch sử dụng đất sau khi di dời.
Qua đó đã xác định lộ trình đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời.
Bước đầu xây dựng cơ chế mang tính nguyên tắc chung áp dụng đối với từng loại đối tượng để hỗ trợ, khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.
Về hạn chế, theo Hà Nội, việc di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành còn chậm; công tác quản lý quỹ đất sau khi di dời các cơ sở trên chưa được thực hiện do các bộ, ngành chưa thực hiện theo quyết định của Thủ tướng.
Các biện pháp của nghị quyết HĐND TP, nhất là các biện pháp về tài chính (nâng mức thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sớm), chỉ được áp dụng tại các dự án đầu tư quan trọng và cho các phương án bồi thường, hỗ trợ được UBND cấp huyện phê duyệt từ ngày 27/7/2013.
Vì vậy, trong quá trình triển khai có sự so sánh về mức thưởng tiến độ giữa các dự án thuộc nhóm các dự án đầu tư quan trọng và các dự án còn lại cùng thực hiện trên địa bàn và cùng thời điểm.