|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vinamilk: Công ty có chiến lược cụ thể để giữ thị phần trước đối thủ Coca Cola

09:14 | 19/04/2019
Chia sẻ
Năm 2019, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu thuần 56.300 tỉ đồng, tăng 7%; lãi ròng 10.400 tỉ đồng, tăng 2,5% so với thực hiện 2018.

Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình như kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận 2018, thù lao HĐQT, bổ sung ngành nghề kinh doanh...

Thảo luận:

Chiến lược mua bán sáp nhập (M&A) trong thời gian tới?

Hiện VNM có khoảng 400 - 500 triệu USD tiền mặt, nhưng nếu thấy những thương vụ M&A mà làm lớn mạnh công ty, có lợi cho cổ đông thì sẵn sàng dùng tiền mặt cộng thêm huy động vốn trên thị trường thì không vấn đề gì, mà vấn đề là có thương vụ nào đáp ứng tiêu chí đó hay không.

Hiện việc mở rộng đàn bò của Vinamilk hiện nay như thế nào?

Vinamilk không có nhu cầu tăng đàn bò nhanh mà quan trọng là năng suất cao. Việc nuôi liên kết, công ty đã ký trực tiếp với 6.000 hộ trên toàn quốc. Giá thu mua mỗi một năm cao hơn do chất lượng ngày càng tốt, đáp ứng đủ các chỉ tiêu như trang trại.

Xin cho biết thêm về kế hoạch thoái vốn của của SCIC?

Đại diện SCIC: SCIC đã thực hiện hai đợt thoái vốn và thu được 1.200 tỉ đồng trong đợt 1, còn đợt 2 thu được 8.900 tỉ đồng. 

Trên cơ sở kinh nghiệm từ hai đợt trước, giờ là thời điểm, khi nào Chính phủ có quyết định thì SCIC sẽ thực hiện.

Chiến lược mở rộng ra nước ngoài của Vinamilk ra sao?

Hiện chúng tôi chú trọng xuất khẩu sâu rộng với các đối tác. Đồng thời, Vinamilk sẽ M&A và liên doanh liên kết, tập trung nhiều ở khu vực Asean, Myanmar, Philippines, Indonesia… làm sao để có lợi cho công ty.

Các công ty con ở nước ngoài đóng góp khoảng 2% trên tổng lợi nhuận 10.000 tỉ đồng của Vinamilk

Coca cola tham gia thị trường sữa, Vinamilk đánh giá như thế nào?

Thị trường càng ngày càng khốc liệt, Vinamilk có chiến lược cụ thể để giữ thị phần. Chúng ta có đủ sức mạnh về tài chính, quản trị, nhân sự để cạnh tranh công bằng.

Báo Giáo dục đưa ra nhiều vấn đề của Vinamilk, ban lãnh đạo có ý kiến gì không?

Bà Mai Kiều Liên:  Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái bị bông để ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi cạnh tranh là công bằng. Nếu ai cạnh trạnh không công bằng thì phải lãnh hậu quả. Chúng tôi không khơi dậy cuộc chiến, nhưng khi động tới thương hiệu Vinamilk là thương hiệu quốc gia thì chúng tôi phải bảo vệ.

Mình muốn nói ai phải có bằng chứng, cạnh tranh không lành mạnh thì không chấp nhận được. Thương hiệu Vinamilk đã xuất đi thế giới, công ty cũng đã cam kết với cổ đông và người tiêu dùng là tuân thủ theo luật. 

Vinamilk có dự định sở hữu trên 51% vốn của GTNFoods không?

Bà Mai Kiều Liên: Công ty đã chào mua công khai và được UBCKNN đồng ý, còn trước đó HĐQT  không đồng ý. 

Vinamilk muốn tham gia vào GTNFoods để cùng mạnh lên, công ty đã mua nhiều doanh nghiệp và đều tôn trọng đối tác và cân bằng lợi ích. 

GTN cũng không ngoại lệ, chúng tôi muốn trong thời điểm ngày càng cạnh tranh, muốn giữ thương hiệu Việt thì cũng phải cùng phát triển, để tạo thành một bó đũa không thể bẻ gãy được. 

Với thời điểm càng ngày càng tranh, xu hướng hội nhập vừa là có cơ hội cũng là thách thức, muốn giữ thương hiệu Việt phải cùng nhau liên kết.

Chúng tôi đã ngồi lại và nói rõ mục đích của nhau và hiểu nhau chứ không phải chỉ nghe từ phía ngoài thế này thế kia. Vinamilk không làm gì để hại GTN mà lợi mình cả, đó là nguyên tắc của chúng tôi mấy chục năm nay.

Cổ đông: Muốn phải triển bền vững thì phải thân thiện với môi trường, hàng năm Vinamilk cung cấp hàng ngàn sản phẩm cho thị trường nhưng cũng có bao bì rác thải ra môi trường.

Cổ đông đề nghị Vinamilk chú trọng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, làm thế nào để dễ dàng phân hủy, tái chế. Đồng thời muốn Vinamilk xem lại qui trình tuyển dụng.

Bà Mai Kiều Liên cho biết, xu hướng bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển bền vững của các công ty trên thế giới và Vinamilk cũng không ngoại lệ. Công ty cũng đã làm rất nhiều việc như sử dụng năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy, năng lượng tái tạo như hơi và tro trấu đều rẻ hơn so với giá dầu; thêm vào đó, Viamilk cũng có túi phân hủy. Việc sử dụng thìa cho sữa chua cũng sẽ hạn chế và giảm từ từ để người tiêu dùng có thói quen dần.

Về việc tuyển công nhân mà có đút lót, Vinamilk khẳng định không có vấn đề này. Vinamilk thông qua công ty nhân sự để tuyển và phỏng vấn. Còn có thông tin râm ran chạy tiền để vào thì người nghe phải có kiểm chứng, còn đứng góc độ Ban điều hành thì Vinamilk khẳng định không hề có việc này.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã: VNM) sáng 19/4, Vinamilk cho biết công ty sẽ tiếp tục tập trung vào ngành sữa và các sản phẩm liên quan, ưu tiên khai thác thị trường nội địa, sẵn sàng cho các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) và mở rộng mới quan hệ hợp tác mạnh mẽ.

ĐHĐCĐ Vinamilk: Công ty có chiến lược cụ thể để giữ thị phần trước đối thủ Coca Cola - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vinamilk sáng 19/4.

Đồng thời, Vinamilk sẽ ưu tiên tìm kiếm các cơ hội mua bán và sáp nhập (M&A) với các công ty sữa tại các quốc gia với mục đích mở rộng thị trường.

Về kế hoạch kinh doanh 2019, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu thuần 56.300 tỉ đồng, tăng 7%; lãi ròng 10.400 tỉ đồng, tăng 2,5% so với thực hiện 2018.

Công ty cũng dự chi mức cổ tức 2019 bằng tiền với tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Trong đó, tạm ứng đợt 1 là 2.000 đồng/cp, thanh toán trong tháng 9; tạm ứng đợt 2 là 1.000 đồng/cp, thanh toán trong tháng 2/2020. Thanh toán cổ tức còn lại của năm 2019 sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 quyết định.

Hội đồng quản trị Vinamilk dự kiến trình cổ đông bổ sung hoạt động "mua bán đường (không hoạt động tại trụ sở)" vào ngành nghề "Bán buôn thực phẩm".

Trong quý I/2019, Vinamilk ghi nhận doanh thu 13.230 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 2,774 tỷ, cao hơn 2,7%.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc cho biết, năm 2018 đã đi qua với nhiều biến động ảnh hưởng tích cực và cả tiêu cực đến tình hình kinh doanh của Vinamilk mà ảnh hưởng điển hình nhất là sự sụt giảm bất thường của ngành hàng tiêu dùng nói chung và ngành sữa nói riêng. 

Ban lãnh đạo cho biết, ngành sữa Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng bền vững. Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ khoảng 19kg sữa/người/năm – con số này khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 31,7kg hay Hàn Quốc là 40,1kg, Malaysia khoảng 26,7kg…

Trong năm 2018 Vinamilk đã tung ra loạt sản phẩm tiêu biểu như sữa chua ăn Hy Lạp Greek Yoghurt, sữa chua ăn nếp cẩm, sữa chua ăn Organic, sữa đậu nành hạt óc chó... Trại bò sữa Organic Đà Lạt cũng tăng gấp đôi quy mô đàn, từ 500 con lên 1.000 con và khởi động trại bò sữa organic tại Thanh Hóa với quy mô 2.000 con.

Tính đến hết năm 2018 Vinamilk đã có 12 trang trại với tổng 27.000 con bò sữa tại Việt Nam với sản lượng sữa trung bình 26,1 kg sữa/con bò/ngày. Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, Vinamilk nhập bò sữa A2 thuần chủng từ New Zealand. Đồng thời đang phát triển trại bò tại Lào với quy mô 4.000 con.

Minh Anh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.