ĐHĐCĐ SCB: TGĐ Võ Tấn Hoàng Văn tiết lộ thu nhập Giám đốc chi nhánh tương đương thù lao thành viên HĐQT
ĐHĐCĐ thường niên 2019 Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ảnh: TV)
Sáng 16/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2019 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và kết quả 2018.
Trao đổi với cổ đông, Tổng Giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, giai đoạn từ cuối 2018 - 2021, SCB tập trung chăm sóc các khách hàng lớn, dự kiến chiếm 15 - 20% tổng khách hàng SCB, mục tiêu trong ba năm tới đóng đóp 60% tổng thu nhập ngân hàng, đặc biệt là thu nhập dịch vụ.
Liên quan đến chi phí hoạt động, thu lao HĐQT cao trong những năm qua, trong khi cổ tức nhiều năm không chia, người đứng đầu ban điều hành SCB nhận định đây là vấn đề laai dài, gây bức xúc cho cổ đông nhiều năm qua.
Nếu xét về số tuyệt đối thì chi phí hoạt động của SCB so với Vietcombank thì chỉ bằng 1/2. Nếu so sánh quy mô 1 ngân hàng như SCB thì chi phí này rất tiết kiệm, ông Văn cho hay. Ý thức tiết kiệm của SCB từ nhân viên đến lãnh đạo ngân hàng. Việc này nhằm tập trung nguồn lực vào phát triển kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp hệ thống core… Ngoài ra, ông Văn cho biết thêm, mặc dù Vietcombank không phải là ngân hàng đối thủ hay mẫu ngân hàng để SCB học tập, tuy nhiên thời gian tới ngân hàng sẽ tham khảo thêm mô hình phát triển của Vietcombank.
Mặt khác, thù lao HĐQT năm qua trên 12 tỉ đồng cho 7 thành viên HĐQT, theo ông Văn, ngân sách này nếu tính bình quân mỗi thành viên, trừ đi chi phí đi công tác, tiếp khách thì còn tầm 500 - 600 triệu đồng/người/năm, so với thu nhập bình quân 50 - 60 triệu đồng/tháng của một giám đốc chi nhánh, thì số thù lao này cho HĐQT là không cao. Năm qua, SCB cũng đã tăng thu nhập bình quân nhân viên từ 14,5 lên 15,2 triệu đồng/tháng, phù hợp với mặt bằng chung.
Trước thắc mắc của cổ đông về vấn đề thời gian giao dịch tại ngân hàng chậm,đặc biệt là thủ tục cho vay cần cố sổ tiết kiệm, ông Văn giải thích, trước đây SCB không có vấn đề này, nhưng từ tháng 4/2018, NHNN có phê bình. Do đó, SCB đã điều chỉnh việc cho vay cầm cố số tiết kiệm phải có phương án cho vay, nhằm phù hợp với yêu cầu của cơ quan chức năng, tuân thủ quy định NHNN. Mặc dù thủ tục hơi rườm ra nhưng về bản chất giao dịch thì đây vẫn là giao dịch bình thường. Thời gian tới, lãnh đạo SCB cam kết sẽ điều chỉnh lại thủ tục này nhằm rút ngắn thời gian hơn cho khách hàng.
Hai Phó Chủ tịch từ nhiệm, phát hành 500 triệu cp giá 10.000 đồng/cp
Trong năm 2019, đại hội đã thông qua kế hoạch SCB tiếp tục kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỉ đồng, lên 20.232 tỉ đồng.
Việc tăng vốn thông qua chào bán 500 triệu cp phổ thông với giá 10.000 đồng/cp. Đối tượng chào bán gồm cổ đông hiện hữu từ 0,5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số lượng tối đa là 99 nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III/2019, sau khi được NHNN và UBCKNN chấp thuận.
Số tiền thu về sẽ dùng 200 tỉ đồng đầu tư tài sản cố định, 300 tỉ đồng đàu tư hệ thống công nghệ thông tin, 200 tỉ đồng đầu tư xây và sửa chữa các trụ sở ở chi nhánh, 4.300 tỉ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Với vốn mới, ngân hàng đặt mục tiêu cho vay khách hàng tăng 13% lên 341.138 tỉ đồng; huy động thị trường 1 tăng 13,15% lên 473.338 tỉ đồng; huy động thị trường 2 giảm 16,16% còn 46.690 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 19,5% đạt 273 tỉ đồng.
Tăng trưởng doanh thu phí dịch vụ ít nhất 50% (riêng ngân hàng mẹ SCB ước đạt 1.450 tỉ đồng, tăng gần 64%), phát triển tín dụng cá nhân doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và tín dụng nông nghiệp nông thôn. Chuyển đổi các dịch vụ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, xây dựng hệ thống quan hệ khách hàng, một số hoạt động quản trị rủi ro và quản trị tài chính.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận 2019 gồm trích lập quỹ bổ sung vốn điều lệ 5% lợi nhuận sau thuế, trích lập quỹ dự phòng tài chính 10% lợi nhuận sau thuế, trích lập quỹ khen thường phúc lợi khoảng 1 tháng lương bình quân năm 2019, và không có kế hoạch chia cổ tức.
(Nguồn: SCB)
Các chỉ tiêu kinh doanh trên đều đã được cổ đông thông qua ngay tại tại hội sáng nay.
Miễn nhiệm hai Phó Chủ tịch HĐQT, 2 thành viên BKS và bầu bổ sung
Đại hội cổ đông lần này cũng sẽ thực hiện biểu quyết việc miễn nhiệm chức vụ trong HĐQT của ông Chiêm Minh Dũng (Phó Chủ tịch HĐQT thường trực) và ông Tạ Chiêu Trung (Phó Chủ tịch HĐQT); hai thành viên trong BKS gồm bà Phạm Thu Phong, bà Võ Thị Mười nhiệm kì 2017 - 2022. Những cá nhân này đã có đơn xin từ nhiệm gửi đến HĐQT.
Để đảm bảo số lượng HĐQT có 7 thành viên, trong đó có 1 thành viên động lập; và 4 thành viên Ban Kiểm soát, SCB sẽ trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT, 2 thành viên BKS.
Kết quả, 2 thành viên HĐQT được đề cử thay thế là Nguyễn Phương Hồng và Mai Thị Thanh Thủy, 2 thành viên BKS được đề cử là Nguyễn Mạnh Hải và Lưu Quốc Thắng đều đã trúng cử.
Đã sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ tăng vốn trong năm 2018
SCB cho biết trong năm 2018 ngân hàng tiếp tục bán nợ cho VAMC và phối hợp để xử lí dứt điểm các khoản nợ xấu. Đến cuối năm số dư trái phiếu VAMC do SCB nắm giữ là 26.685 tỉ đồng. Trong năm SCB đã thoái thu 938 tỉ đồng để hỗ trợ công tác xử lí nợ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của SCB còn khiêm tốn.
Năm qua ngân hàng cũng đã phát hành thêm 93,7 triệu cp, đến hết năm đã sử dụng hết toàn bộ số tiền huy động được.
Đến cuối 2018, tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 508,95 nghìn tỉ đồng, tăng trên 14,6% so với đầu năm và đứng thứ 5 trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Hoạt động tín dụng năm qua của SCB tăng 13,28% lên 301,89 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu lần lượt ở mức 0,61% và 0,42%.
Nguồn vốn hoạt động đạt 479,16 nghìn tỉ đồng. Trong đó, huy động vốn thị trường đạt 87,3% (418,34 nghìn tỉ đồng); huy động thị trường 2 chiếm 11,6% và vay NHNN chiếm 1,1%.
Nguồn: SCB