Ông Dương Công Minh: 'Tôi sẽ không mua bất kỳ dự án bất động sản đấu giá nào của Sacombank'
Nhiều cổ đông bức xúc đòi chia cổ tức
Tại đại hội, nhiều cổ đông lâu năm của Sacombank tỏ ra bức xúc với HĐQT ngân hàng, chất vấn gay gắt về việc nhà băng này tiếp tục không được trả cổ tức. Cổ đông cũng yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước giải trình về vấn đề này.
Đáp lời, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank liên tục khẳng định việc ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, nên mọi vấn đều phải xin NHNN thông qua.
Ngân hàng cũng đã có ý kiến xin Ngân hàng Nhà nước về việc xin trích một phần cổ tức bằng cổ phiếu và đang chờ ý kiến. Theo ông Minh, bản thân mình là cổ đông lớn nhất của Sacombank, cũng mong có cổ tức, nhưng vấn đề này không thể tự ý quyết định.
Về việc xin trích 20% phần vượt kế hoạch lợi nhuận thưởng cho nhân viên trong năm 2019, trước đó Sacombank đã rút tờ trình ngay trước thềm đại hội. Ông Dương Công Minh cho biết, năm nay sẽ phải đốc thúc cán bộ nhân viên nâng cao năng suất, hoàn thành chỉ tiêu.
Thời điểm hiện tại, mặc dù có quy mô gần 19.000 nhân viên, nhưng Sacombank luôn thuộc top trả lương thấp nhất so với các ngân hàng trong hệ thống. Chủ tịch ngân hàng cho rằng, cần phải có động lực thúc đẩy họ làm việc.
"Năm 2018 đã hứa thưởng cho nhân viên, chúng tôi xin phép được làm; năm 2019 sẽ không xin thưởng".
Ông Dương Công Minh sẽ không mua bất kỳ dự án bất động sản đấu giá nào của Sacombank
Về những vấn đề liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú, ông Dương Công Minh cho biết đây là dưới thời Ngân hàng Phương Nam (trước khi sáp nhập). Công ty Phong Phú đã họp và bàn giao tài sản KCN này cho Sacombank, ngân hàng có toàn quyền đấu giá công khai ra thị trường.
Về tình trạng, KCN Phong Phú còn một phần đất chưa được đền bù cho dân, do đó Sacombank đưa ra đấu giá nguyên trạng. Trao đổi bên lề đại hội, Tổng giám đốc Sacombank - bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết: Ngân hàng cũng không thể lấy tiền của ngân hàng tiền của cổ đông ra đền bù thay được, vấn đề này cần tìm được nhà đầu tư dám bỏ tiền.
Hiện tại, một cổ đông phía Phong Phú kiện việc đấu giá dự án lên tòa án nhân dân Bình Chánh, mặc dù trước đó đại hội đông cổ đông Phong Phú đã quyết định chuyển giao dự án lại cho Sacombank. Theo bà Diễm, đây là việc sai quy định, Ngân hàng đang làm phản tố với tòa án. Ông Dương Công Minh cũng cho biết sẽ bảo vệ quyền tại dự án này đến cùng. Sacombank hiện với khoảng 40 dự án đang được đấu giá công khai, giá trị khoảng hơn 20.000 tỉ đồng.
Tại đại hội, Chủ tịch Dương Công Minh khẳng định việc sẽ không mua đấu giá bất kỳ dự án nào của Sacombank. "Nhiều tin đồn cho rằng tôi là người làm bất động sản sẽ thâu tóm các dự án của Sacombank, nhưng thôi khẳng định tôi sẽ không tham gia bất kỳ dự án nào".
Trước thềm đại hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu Sacombank không đưa tờ trình số 9, về việc trích thưởng 20% phần vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm tài chính 2019 cho cán bộ nhân viên Sacombank vào nội dung biểu quyết.
Đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank sáng ngày 26/4 (Ảnh: BM)
Theo đề án xây dựng lại, Sacombank đưa mô hình mức tín dụng tăng trưởng từ 18% đến 20% mỗi năm. Tuy nhiên mức phê duyệt của NHNN với ngân hàng trong năm 2019 chỉ là 7%. Sacombank cho biết đang làm việc xin phân bổ mức tăng tín dụng phù hợp năng lực của ngân hàng. Năm 2019, Sacombank cũng đặt mục tiêu thu hồi ít nhất 10.000 tỉ đồng tài sản khó thu hồi.
Mặc dù, nhiều cổ đông không hài lòng với ngân hàng vấn đề chia cổ tức, nhưng kết thúc đại hội tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Kế hoạch giảm tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2% trong 2019
Sáng ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
Năm nay, Sacombank đặt mục tiêu tài sản 455.500 tỉ đồng, tăng trưởng 12%; nguồn vốn huy động đạt 423.500 tỉ đồng, tăng 14%. Trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỉ đồng, tăng 17%.
Tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 298.100 tỉ đồng, tăng khoảng 16%; trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỉ đồng, tăng 16%.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 2.650 tỉ đồng, tăng 18%; công ty cho biết sẽ phấn đấu để giảm tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 2%.
Cuối năm 2018, tỉ lệ nợ xấu của Sacombank là 2,11%; giảm mạnh 2,48 điểm % so với năm trước đó và hoàn thành kế hoạch dưới mức 3% mà đại hội đồng cổ đông đề ra. Trong năm 2018, tổng giá trị xử lý nợ của Sacombank (bao gồm thu hồi nợ xấu, lãi dự thu và tài sản được cấn trừ) là trên 11.700 tỉ đồng. Lũy kế từ khi triển khai Đề án, ngân hàng thu được 31.336 tỉ đồng.
Trong quý I, Samcombank đạt 1.061 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết mảng kinh doanh của Sacombank đều ghi nhận kết quả khả quan.
Nguồn thu nhập chính từ lãi thuần tăng 47% mang về 2.458 tỉ đồng, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong số những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí đầu năm tới thời điểm hiện tại.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh khác cũng có mức tăng đột biến. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng 448% mang về gần 304 tỉ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 108% với xấp xỉ 113 tỉ đồng.
Tiếp tục không chia cổ tức
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Ngân hàng Sacombank
Đại hội Sacombank năm nay cũng trình lên phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 với việc nhà băng này tiếp tục không chia cổ tức; thay vào đó trích quỹ dự phòng tài chính 157 tỉ đồng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi mỗi quỹ 141 tỉ đồng; ngoài ra quỹ bổ sung vốn điều lệ hơn 82 tỉ đồng. Lợi nhuận giữ lại của ngân hàng sau chia đạt gần 2.800 tỉ đồng.
Kế hoạch chia lợi nhuận năm 2019 với tỉ lệ các khoản mục gần như tương tự, còn việc chia cổ tức sẽ được thực hiện theo đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.Thù lao cho HĐQT trong năm 2019 là 2% lợi nhuận.
Sacombank - những vấn đề còn tồn tại
Năm 2018 mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng trong kinh doanh cũng như công tác xử lý nợ xấu, Sacombank cũng tự nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại.
Tài sản có không sinh lời của ngân hàng còn lớn; quá trình thu hồi, xử lý tài sản thế chấp cần có thời gian dài, phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường bất động sản.
Tín dụng tăng trưởng trong giới hạn cho phép nên hạn chế cơ hội tăng thu nhập để có thể xử lý nhanh các khoản tồn đọng.
Bên cạnh đó, Sacombank đã không chia cổ tức cho cổ đông kể từ khi sáp nhập, do phải tập trung tái cơ cấu, xử lý tồn đọng tài chính, dẫn đến tâm lý không hài lòng của cổ đông Sacombank.
Ngoài ra, áp lực tăng vốn ngày càng lớn khi thời điểm áp dụng chuẩn mực quốc tế Basell II vào năm 2020 đang đến gần trong bối cảnh việc kêu gọi vốn cổ phần hiện nay còn khó khăn.
Sacombank đã tập trung nguồn lực tái cấu trúc và tái cơ cấu hệ khách hàng, chủ trọng kiểm soát rủi ro do đó kết quả của một số công ty không đạt như kỳ vọng:
Công ty quản lý nợ và Khai thác tài sản – SBA đạt 94 tỉ đồng
Công ty cho thuê tài chính – SBL đạt 66 tỉ đồng
Công ty Kiều hối – SBR – lỗ hơn 4 tỉ đồng
Công ty Vàng bạc Đá quý – SBR lỗ gần 9 tỉ đồng
Sacombank Lào lãi 1,3 triệu USD và Sacombank Campuchia lỗ 14,4 triệu USD.
Kế hoạch huy động và cho vay tăng trưởng gần 11% và gần 14% mỗi năm
Theo phương án tái cơ cấu, đến năm 2025, kế hoạch huy động và cho vay bình quân mỗi năm của Sacombank sẽ tăng trưởng lần lượt 10,6% và 13,7%.
Ngân hàng cũng mong muốn khôi phục lại mức lợi nhuận của thời kỳ trước sáp nhập (năm 2017 đạt 1.484 tỉ đồng; năm 2018 đạt 2.067 tỉ đồng, đạt 358% kế hoạch tiến độ hai năm tại Đề án).
Cải thiện chỉ số sinh lời ROE từ 0,35% năm 2016 lên 7,03% vào năm 2018. Cải thiện vốn tự có, tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 9,61% (năm 2016) lên 10,71% (năm 2018). Giảm tỉ trọng tài sản có không sinh lời từ 29,3% (năm 2016) xuống 18,3% (năm 2018), tương đương giảm 11 điểm %...