ĐHĐCĐ PG Bank: Chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu, nợ câu trả lời về thời điểm sáp nhập
Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội số lượng cổ đông tham gia là 19 người trên 7.338 cổ đông, nắm giữ 80,94% cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.
Các cổ đông giơ phiếu biểu quyết thông qua các tờ trình (Ảnh: DB).
Thảo luận
Cổ đông: "Tôi đánh giá cao kết quả thực hiện năm 2018 vì trong bối cảnh của ngân hàng hiện nay mà PG Bank vẫn duy trì được hoạt động trong tầm kiểm soát, ở mức bình thường". Tuy nhiên, ông cho biết không yên tâm với kế hoạch kinh doanh năm 2019. Ông cho rằng hình như sự quan tâm của NHNN và các ban ngành trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, sáp nhập các ngân hàng chưa được sát sao. Ông đặt ra các câu hỏi:
Khả năng sáp nhập với HDBank có thành công hay không? Tỉ lệ cổ tức 30% cụ thể là như thế nào?
Ông đề nghị ngân hàng không nên để tình trạng BKS thiếu người, chỉ có hai người như hiện nay, cần bổ sung, đầu tư trang thiết bị cho BKS.
Cổ đông chất vấn ban lãnh đạo ngân hàng (Ảnh: DB).
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo: "Xin nợ câu trả lời về thời điểm sáp nhập"
Chủ tịch HĐQT: PG Bank vốn là một trong những ngân hàng có nhiều tiềm năng phát triển, sở dĩ có những lình xình về hướng đi là xuất phát từ chính sách của Nhà nước có những thay đổi. Về hoạt động ngân hàng, cần có sự định hướng trong vòng ít nhất 5 - 10 năm. PG Bank hoàn toàn đủ điều kiện, môi trường phát triển thuận lợi để có thể đứng đầu trong một số lĩnh vực khi có Petrolimex là cổ đông lớn.
Điều đáng tiếc là cơ chế thoái vốn của DNNN dẫn đến việc Petrolimex phải có những quyết định cơ cấu lại hoạt động của PG Bank theo hướng rút vốn. Khi thành lập Petrolimex chiếm 40% vốn tại PG Bank, sau đó giảm xuống 20%.
Trong 4 năm nay Petrolimex cũng chủ yếu tìm ra giải pháp để tái cấu trúc ngân hàng, tìm kiếm đối tác, phương thức thoái vốn mà giữ nguyên được giá trị cốt lõi của ngân hàng. Sự lựa chọn này của ngân hàng là không dễ dàng.
Về việc sáp nhập, ông nói: "Thời gian và tiến trình sáp nhập không thuộc sự kiểm soát của chúng ta vì những gì cần làm chúng ta đã làm hết rồi".
HDBank cũng đã cử những cán bộ kinh nghiệm, uy tín sang giúp PG Bank tổ chức công việc sáp nhập, theo chấp thuận của NHNN. Cụ thể, ông Lý Vinh Quang trước từng là Tổng giám đốc Techcombank sang làm cố vấn cho PG Bank.
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo cho biết trong khi còn nợ xấu VAMC thì gần như các TCTD không thể chia cổ tức bằng tiền mặt. NHNN đã ra quyết định chấp thuận nguyên tắc về phương án phân phối lợi nhuận của HDBank và PG Bank. Mức chia cổ tức 30% tuân thủ đúng theo nguyên tắc mà hai ngân hàng đã kí.
Ông kì vọng việc sáp nhập sẽ được hoàn tất vào quí III và quí IV của năm 2019.
Mức thù lao cho BKS là 2 tỉ đồng cho một thành viên có quá cao?
Đại diện cổ đông Ngân hàng Hàng Hải: Đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng công bố lộ trình cụ thể sáp nhập cam kết về thời hạn này, năm trước tại đại hội đã cam kết là sau 6 tháng.
Đề nghị ban chủ toạ công bố danh sách những thành viên HĐQT và xem xét lại thù lao BKS chuyên trách 2018 là 2 tỉ đồng trong khi chỉ có một người là quá lớn, không biết có nhầm lẫn hay không?
Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo cho biết phương án bầu lại HĐQT được đề ra trước đó là bầu nhiệm kì mới nhưng hiện tại danh sách chưa được NHNN phê duyệt nên chưa thực hiện bầu trong đại hội cổ đông hôm nay.
Về thời hạn sáp nhập, ông nói: "cá nhân tôi cam kết sẽ triển khai và hoàn tất sau 45 ngày, sau khi NHNN có quyết định phê duyệt".
Vấn đề thù lao của BKS là vấn đề quyết toán cho năm 2018 cho thành viên BKS là hai người.
Chia sẻ thêm về mức thù lao của mình, ông Trung, Trưởng BKS, cho biết theo qui định HĐQT là người quyết định, đã đưa ra nghị quyết rằng thù lao của Trưởng BKS bằng mức lương bình quân của các Phó TGĐ ngân hàng.
"Thu nhập bình quân mỗi tháng của tôi nhận về khoảng 80 triệu. Còn lại một thành viên khác chỉ làm chuyên trách khoảng nửa năm", ông nói.
Ông cho biết đây là một vị trí rất áp lực và dự định sẽ rời khỏi vị trí này sau khi sáp nhập với HDBank.
Toàn cảnh đại hội PG Bank (Ảnh: DB).
Phát biểu tại đại hội Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Định nhận định năm 2018 là một năm thành công của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ. Đối với PG Bank là năm có nhiều thách thức khi đứng trước thương vụ sáp nhập cùng HDBank.
Ông cho biết mặc dù trong bối cảnh tái cơ cấu và ảnh hưởng từ phương án sáp nhập nhưng năm 2018 vẫn đạt những tăng trưởng nhất định so với năm trước về huy động vốn tiền đồng.
Năm 2018, PG Bank đạt mức lợi nhuận trước thuế 159 tỉ đồng, giảm 24% so với năm trước và đạt 87% kế hoa. Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của PG Bank đạt 29.900 tỉ đồng, trong đó tổng dư nợ đạt 22.052 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu ở mức 3,1%.
Số nợ tại VAMC đã được ngân hàng mua lại trong năm 2018 là 650 tỉ đồng và trích lập dự phòng khoảng hơn 1.000 tỉ đồng cho số trái phiếu VAMC còn lại.
Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018 của PG Bank (Nguồn: Tài liệu đại hội).
Tổng giám đốc cho biết do sáp nhập nên trong năm 2018 ngân hàng không đầu tư thêm vào công nghệ thông tin, ảnh hưởng tương đối lớn tới việc phát triển ngân hàng số và hướng phát triển dài hạn. Ngân hàng cũng không mở rộng thêm mạng lưới mà tập trung nâng cao chất lượng của các điểm giao dịch hiện tại.
Kế hoạch lãi trước thuế 211 tỉ đồng, tăng trưởng dư nợ 8% trong năm 2019
Trong năm 2019, PG Bank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 211 tỉ đồng, tăng 33% so với năm trước với thu nhập ngoài lãi dự kiến đạt 86,8 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2018. Tăng trưởng huy động vốn là 11% đạt 28.547 tỉ đồng, trong đó huy động thị trường 1 là 26.928 tỉ đồng. Tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng ước tăng 8% so với năm 2018 đạt 23.892 tỉ đồng. Đây là mức tăng trưởng tín dụng được NHNN thông báo cho PG Bank.
Kế hoạch kinh doanh năm 2019 (Nguồn: PG Bank).
Cùng với đó, PG Bank cũng đặt mục tiêu xử lí quyết liệt nợ xấu đặc biệt là các khách hàng đã bán nợ cho VAMC để sớm thu hồi nợ và hoàn nhập chi phí dự phòng đã trích lập. Dự kiến trong năm sẽ thu hồi được 715 tỉ đồng trong đó nợ xấu là 228 tỉ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 424 tỉ đồng, thu nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro là 63 tỉ đồng.
Chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu sau khi sáp nhập
Theo tài liệu đại hội, PG Bank cho biết theo đề án và hợp đồng sáp nhập được ĐHĐCĐ hai bên chấp thuận tỉ lệ chuyển đổi cổ phiếu PG Bank và HDBank là 1:0.621, đồng thời cam kết sẽ không chia bất kì các quĩ, lợi nhuận chưa phân phối với bất kì hình thức nào trừ các trường hợp đã thoả thuận. Do đó, PG Bank dự kiến sẽ chia cổ tức bằng 30% bằng cổ phiếu cho các cổ đông sau khi sáp nhập
Phương án trích lập các quĩ và phân chia lợi nhuận năm 2018 (Nguồn: PG Bank).
Đại hội cũng sẽ thông qua phương án về mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2018. Cụ thể, thù lao của Chủ tịch HĐQT là 143 triệu đồng, của các thành viên HĐQT là hơn 803 triệu đồng. Tổng thù lao của các thành viên BKS chuyên trách là hơn 2 tỉ đồng.
Các thành viên HĐQT của PG Bank năm 2018 (Nguồn: PG Bank).
Mức thù lao kế hoạch cho năm 2019 đối với các thành viên HĐQT chuyên trách và các thành viên BKS chuyên trách được uỷ quyền cho HĐQT quyết định.
Trong đó, mức thù lao cố dịnh trước thuế trả hàng tháng đối với Chủ tịch HĐQT bằng 20% lương của Tổng giám đốc năm 2019, thù lao với các thành viên HĐQT bằng 20% lương bình quân trước thuế của các Phó TGĐ năm 2019, thù lao các thành viên BKS là 20% thù lao của thành viên BKS chuyên trách.
Ngoài ra, đại hội cũng sẽ thực hiện biểu quyết về việc uỷ quyền cho HĐQT quyết định một số vấn đề về hoạt động của ngân hàng.
Chưa được NHNN phê duyệt phương án bầu HĐQT nhiệm kì mới
Đại hội cổ đông của PG Bank cũng chưa đưa ra tờ trình về bổ nhiệm HĐQT. Được biết, hiện tại phương án bầu HĐQT của ngân hàng chưa được thông qua tại thời điểm đại hội.
Trước đó, ngân hàng đã đưa ra phương án tiến hành bầu 9 thành viên HĐQT, 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kì hai năm là 2019 – 2020. Hiện HĐQT PG Bank gồm 8 thành viên, trong đó ông Bùi Bảo Ngọc làm Chủ tịch. Dự kiến, PG Bank sẽ bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT đến từ HDBank.
Tại đại hội thường niên HDBank diễn ra vài ngày trước đã thông qua việc từ nhiệm Thành viên HĐQT độc lập đối với ông Lý Vinh Quang. Ngân hàng cho hay thực hiện chủ trương của NHNN về việc chấp thuận nguyên tắc sáp nhập PG Bank vào HDBank, HĐQT HDBank cử ông Lý Vinh Quang ứng cử làm thành viên HĐQT của PG Bank.