ĐHCĐ Vietjet Air: Dự lãi gần 3.400 tỷ đồng năm 2017, cổ tức 50%
Sáng nay (20/4), Công ty cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air (Mã: VJC) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.
Đại hội có sự tham dự của 403 cổ đông, đại diện sở hữu 249,4 triệu cổ phần, tỷ lệ tham dự 83,16%. Theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ hiện hành, Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Đại hội cổ đông Vietjet Air tổ chức sáng nay (Ảnh: Khổng Chiêm) |
Danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới
Đại hội cũng bầu ra thành viên HĐQT mới với 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2027 - 2020. Kết quả bầu cử thành viên HĐQT như sau:
- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: 121,37%.
- Ông Nguyễn Thanh Hùng: 94,34%
- Ông Chu Việt Cường: 90,29%
- Bà Nguyễn Thanh Hà: 118,44%.
- Ông Lưu Đức Khánh: 86,97%.
- Ông Đinh Việt Phương: 88,3%.
Trong đó, bà Nguyễn Thanh Hà tiếp tục được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm thành viên HĐQT độc lập. Bà Thảo và ông Hùng được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.
Về Ban kiểm soát có ba thành viên gồm bà Trần Dương Ngọc Thảo, ông Phạm Văn Đẩu, và bà Đoàn Thu Hương. Trong đó, bà Thảo làm Trưởng ban kiểm soát.
Phần thảo luận:
- Phát hành ESOP tối đa 3% trong vòng 3 năm nhưng trong tờ trình lại ghi không quá 3%/vốn điều lệ. Xin làm rõ số lượng phát hành?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc: Dự kiến kéo dài 3 năm, tổng phát hành không quá 3%/vốn điều lệ ở thời điểm phát hành. Như vậy tổng số 3%/vốn cho 3 năm, có thể thực hiện 1 lần cho cả 3 năm hoặc chia ra 3 năm nhưng đủ 3%/vốn.
- Đánh giá của VJC về hạ tầng giao thông Việt Nam ảnh hưởng ra sao tới sự phát triển của ngành và của VJC? Kết quả kinh doanh quý I/2017 ra sao? Mức độ hoàn thành kế hoạch năm 2017?
Bà Thảo: Chúng tôi nhìn về hạ tầng giao thông Việt Nam với tinh thần tích cực. Bản thân tôi có lúc phải bỏ lại hành lý ở Bangkok. Ở các quốc gia khác, đông đúc tương tự. Tuy nhiên chúng ta nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong việc đầu tư mở rộng nhà ga Tân Sơn Nhất, tham gia xã hội hóa hạ tầng hàng không như Cam Ranh… Như vậy mọi vấn đề về hạ tầng hàng không đang được khẩn trương xử lý.
Hiện tại, chỉ có sân bay Cam Ranh và Tân Sơn Nhất là vượt quá công suất thiết kế, nhưng đều đang được đầu tư mở rộng. Còn lại 22 sân bay thương mại, nhiều sân bay hoạt động công suất thấp. Thậm chí sân bay Chu Lai trước khi VJC khai thác thì chỉ vận hành 8% công suất.
Đến 2020, quy hoạch 26 sân bay thương mại trên cả nước nên chúng ta có thể nhìn nhận các yếu tố tích cực, khả quan. VJC cũng là nhân tố thúc đẩy sự phát triển ngành mạnh mẽ hơn.
Các hoạt động đầu tư vào hàng không, hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, kho bãi, dịch vụ mặt đất…bên Tổng công ty Cảng hàng không đều đang hoạt động mạnh mẽ. Đây là điều kiện môi trường tốt, thuận lợi cho các hãng kinh doanh vận chuyển hàng không.
Về kết quả kinh doanh quý I/2017, kết quả khả quan, các chỉ số đều tăng trưởng cao hơn đáng kể cùng kỳ năm trước. Số liệu cụ thể sẽ được công bố chính thức trên website trong hôm nay.
- Về vấn đề cạnh tranh, hiện tại có chuyện hạ giá vé của Vietnam Airlines, ảnh hưởng tới VJC? Một số đường bay độc quyền như HCM – Côn Đảo thì công ty có chiến lược cạnh tranh gì với các đối thủ? Về cuộc cách mạng 4.0, VJC có chiến lược gì nắm bắt thời cơ chưa?
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành: Về cánh mạng 4.0, mục tiêu của VJC là đưa tất cả các hoạt động, quy trình tự động hóa. Hiện tại VJC đang xem xét đề xuất đầu tư 10 triệu USD để nâng cấp cơ sở cũ, tập trung công nghệ tiên tiến nhất, mục tiêu áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.
Chúng tôi đang đồng bộ hóa để đưa VJC không chỉ là hãng hàng không bán vé mà còn có được hơn 35 triệu khách hàng màu vàng, khai thác cơ hội bán được sản phẩm liên quan tới khách hàng.
VJC đã ký hợp đồng xem xét hành vi khách hàng để đưa ra sản phẩm tốt nhất. Trong thời gian sắp tới sẽ chuyển từ hãng hàng không sản phẩm cốt lõi sang có nhiều doanh thu thêm.
Bà Thảo: Về việc cạnh tranh, VJC không có chủ trương cạnh tranh lấy khách hàng hãng khác mà tập trung vào đối tượng khách hàng của riêng mình, nhất là đối tượng trẻ, mới gia nhập việc đi lại và người dân chưa từng đi máy bay. Với đường bay quốc tế, chúng tôi bay tới các vùng mà các hãng ít khai thác. Trên thị trường, chúng tôi hạn chế, tránh cạnh tranh vào giá mà tập trung vào dịch vụ và khách hàng mới.
Nhìn rộng ra các nước lân cận, Thái Lan có tới hơn 60 hãng hàng không, Singapore hơn 10 hãng hàng không. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có 4 hãng hàng không hoạt động. Nếu nhìn từ ngoài vào thì tưởng VJC cạnh tranh bằng giá nhưng chúng tôi hướng tới cung cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm tương xứng với số tiền mà khách hàng đặt ra.
- VJC có hướng giảm chi phí hoạt động không?
Ông Khánh: VJC có hướng giảm chi phí hoạt động, có nhiều cách để giảm chi phí. Hiện tại VJC đang thuê ngoài dịch vụ suất ăn, chi phí mặt đất… Đến thời điểm cần thiết thì VJC sẽ tự làm và có thể làm tốt hơn.
- VJC có làm nhà ga T3, T4 Tân Sơn Nhất không?
Ông Khánh: VJC đang xem xét cơ hội để có thể tham gia. Hiện tại chưa thể trả lời.
Độ tin cậy kỹ thuật của VJC đạt 99,57%, cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
Tại Đại hội, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành cho biết, năm 2016, Vietjet nhận thêm 12 tàu bay mới, tăng số lượng tàu bay lên 41 tàu bay, tăng trưởng đội tàu 36,7% so với năm 2015. Hệ số sử dụng ghế đạt 88%, nằm trong top các hãng hàng không có hệ số sử dụng ghế cao nhất thế giới.
Ông Khánh cũng cho biết độ tin cậy kỹ thuật của VJC đạt 99,57%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Con số này xóa tan lo ngại về suy nghĩ “giá bán rẻ là an toàn không cao”. Con số cũng cho thấy tỷ lệ an toàn của Vietjet đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng tốt hơn Singapore Airlines và ngang với Japan Airlines.
Vietjet đã có những thành công nhất định với độ nhận biết thương hiệu. Trong năm qua, 24.000 lượt truyền thông nói về Vietjet, bình quân mỗi ngày có 66 lượt báo chí nói về VJ mỗi ngày. Ông Khánh cho rằng “chúng tôi còn hot hơn các hot girl”.
Ông Khánh nói, việc kiểm soát chi phí tốt như hiện nay, đó là thế mạnh cạnh tranh của VJC có thể cạnh tranh với tất cả các nước trên thế giới. Ban điều hành sẽ tiếp tục giữ cơ cấu giá thành này trong suốt quá trình hoạt động.
Đặc biệt, Vietjet khác biệt so với các doanh nghiệp khác là doanh thu thuần hoàn toàn là tiền mặt, không có khoản phải thu, trung bình mỗi ngày Vietjet thu về khoảng 80 tỷ tiền mặt, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
Cơ cấu chi phí các hãng hàng không trong khu vực (màu ghi thể hiện doanh thu trên một ghế trên một cây số bay, màu vàng thể hiện chi phí trên một ghế trên một cây số bay, màu đỏ thể hiện chi phí trên một ghế trên một cây số bay đã loại trừ xăng dầu) |
Năm 2017, Vietjet Air đặt kế hoạch doanh thu 42.018 tỷ đồng, LNST 3.395 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 36% so với kết quả thực hiện năm trước. Dự kiến đến cuối năm, Vietjet sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng sổ 98.124 chuyến bay với lượng hành khách vận chuyển dự kiến 17 triệu lượt khách. Hệ số sử dụng ghế bình quân 88%.
Kế hoạch LNST 3.395 tỷ đồng, cổ tức 50% năm 2017
Vietjet có kế hoạch mở rộng thị trường cả chiều rộng và chiều sâu của mạng bay, nâng tổng số đường bay lên 78 đường, bao gồm 41 đường bay nội địa và 37 đường bay quốc tế. Vietjet cũng sẽ mở rộng đường bay quốc tế, mở rộng đường bay tới các nước khu vực Bắc Á và Đông Bắc Á, tham gia hợp tác liên danh hay hợp tác interline với các hãng hàng không có đường bay đi Châu Âu, Châu Mỹ.
Trong năm 2017, Vietjet tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn dịch vụ nhằm tăng cường giám sát và đảm bảo sự an toàn, hiệu quả cũng như chất lượng khai thác.
HĐQT cũng xác định 13 mục tiêu lớn trong năm 2017, trong đó tăng tần suất đường bay nội địa và quốc tế, phát triển vững chắc các đường bay quốc tế; phấn đấu 100% các hoạt động khai thác dựa trên các quy trình tiên tiến và tự động hóa; tiết kiệm 5% chi phí so với năm 2016; tiếp nhận và khai thác hiệu quả đội bay A321NEO, hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng khai thác B737MAX giúp tiết kiệm 15% nhiên liệu; triển khai 3 dự án chiến lược về nguồn nhân lực và đào tạo, về đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng cho đào tạo, mặt đất, kỹ thuật; về hệ thống quản lý tập trung và tự động hóa.
Trả cổ tức 10% bằng tiền và thưởng 40% cổ phiếu cho năm 2016
Năm 2016, Vietjet Air đạt doanh thu gần 27.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.496 tỷ đồng, tăng 113% so với năm trước. EPS cả năm 2016 đạt 9.586 đồng.
Cũng trong năm này, Vietjet Air đã tạm ứng cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 25%, phát hành trước 53% cổ phiếu thưởng, chia làm 2 đợt vào tháng 6/2016 với tỷ lệ 33% và tháng 9/2016 với tỷ lệ 20%.
HĐQT trình cổ đông phương án chi trả thêm cổ tức tỷ lệ 50% cho năm 2016. Trong đó tỷ lệ cổ tức bằng tiền là 10% và trả cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 40%. Ngày chốt trả cổ tức bằng tiền là ngày 10/5/2017.
Với 322,39 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vietjet Air ước tính sẽ chi ra hơn 320 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.
Về việc phát hành cổ phiếu thưởng, Vietjet Air dự kiến phát hành 128,95 triệu cổ phiếu mới, tăng vốn điều lệ lên trên 4.513 tỷ đồng.
Năm 2017, Vietjet Air dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 50%, trong đó trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ tối đa là 30%.
Phát hành tối đa 3% ESOP mỗi năm, giai đoạn 2017 - 2019
Vietjet Air cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho người lao động giai đoạn 2017 - 2019. Số lượng cổ phiếu phát hành không quá 3% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành với hình thức phát hành cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Trường hợp phát hành cổ phiếu, giá phát hành sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành.
Trường hợp thưởng cổ phiếu, nguồn để chia thưởng sẽ được lấy từ quỹ khen thưởng phúc lợi hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ gần nhất thời điểm phát hành.
Vốn từ đợt phát hành sẽ được bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ phát hành trong 3 đợt trong năm 2017, 2018, 2019 và thời gian cụ thể sẽ do HĐQT quyết định.
Xin nới room tối đa 49%
HĐQT cũng trình cổ đông về vấn đề nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Vietjet Air dự kiến sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 49% và ủy quyền toàn bộ cho Hội đồng quản trị thực hiện các thủ tục liên quan.
Công ty lý giải, việc nới room nhằm tăng tính thanh khoản cho giao dịch và là một cơ hội tốt để tăng khả năng đầu tư và huy động đốn cho công ty.
Kết thúc Đại hội, cổ đông thông qua nội dung các tờ trình.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/