|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

ĐHĐCĐ Chứng khoán Bản Việt: Khả năng thực hiện 40% của 'deal 2 tỉ USD', không đặt nặng đầu tư cổ phiếu niêm yết

12:42 | 26/06/2020
Chia sẻ
Theo bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Bản Việt, công ty không đặt nặng việc đầu tư cổ phiếu niêm yết bởi vì không thể đầu tư để cạnh tranh với chính những khách hàng của mình.

Dự kiến lãi 300 tỉ đồng sau 6 tháng

Ngày 24/6 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1.390 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 550 tỉ đồng. Kế hoạch lợi nhuận này thấp hơn gần 36% so thực hiện năm ngoái.

Nói thêm, kế hoạch kinh doanh này được Chứng khoán Bản Việt đưa ra với dự báo VN-Index cuối năm 2020 dao động quanh 800 điểm.

Cập nhật về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của Chứng khoán Bản Việt, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc cho biết lợi nhuận quí 2 dự kiến đạt 200 tỉ đồng, sau 6 tháng đạt khoảng 300 tỉ đồng, nếu "may mắn" có thể đạt 350 tỉ đồng.

Khả năng Chứng khoán Bản Việt hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận 550 tỉ đồng là rất cao, Tổng Giám đốc của Chứng khoán Bản Việt cho hay.

Nhận định về triển vọng TTCK Việt Nam đến cuối năm nay, theo TGĐ của Chứng khoán Bản Việt, thị trường dao động trong khoảng từ 800 đến 850 điểm. Nhưng thị trường còn phụ thuộc nhiều vào triển vọng sắp tới. Nếu từ giờ đến cuối nă, có vắc xin được công bố thử nghiệp thành công thì chứng khoán có thể lên cao hơn.

Cũng tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về việc Chứng khoán Bản Việt có thể đạt được lợi nhuận 1.200 tỉ đồng vào năm 2021 nếu như dịch bệnh tiếp tục xảy ra. Trả lời câu hỏi này, ông Tô Hải cho biết rằng trong 3 năm tới công ty cố gắng đạt được 3.500 tỉ đồng, tức là bỏ qua năm nay. Chứng khoán Bản Việt sẽ "chạy đà" từ năm 2021, 2022, 2023 và phấn đấu đặt con số trong 3 năm, nhưng không nói rõ năm nào là để linh động.

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc "deal 2 tỉ USD"

Tại đại hội năm nay, lãnh đạo của Chứng khoán Bản Việt chia sẻ thêm về hợp phần 2 tỉ USD của dự án ngân hàng đầu tư của công ty.

Nếu như không có dịch COVID xảy ra thì Chứng khoán Bản Việt sẽ đóng được giao dịch bằng khoản tiền bán đi, công ty bán đi khoảng 1,5 tỉ USD, chiếm khoảng 70% của giao dịch này (2 tỉ USD). Nhưng mà do dịch nên tiến độ bị chậm lại, ông Hải cho hay.

"Không biết từ giờ đến cuối năm chúng ta có hoàn thành được deal đó không, nhưng khả năng chúng ta vẫn còn, chuyện hoàn thành hay không rất khó nói, nhưng 40% khả năng là thành công. Nhưng mà trong tương lai chúng ta sẽ hoàn thành", Tổng Giám đốc của Chứng khoán Bản Việt trả lời.

Về hoạt động tự doanh của công ty, theo bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Bản Việt, công ty không đặt nặng việc đầu tư cổ phiếu niêm yết bởi vì không thể đầu tư để cạnh tranh với chính những khách hàng của mình. 

Tìm nguồn vốn nước ngoài giá rẻ để cạnh tranh CTCK nước ngoài

Về hoạt động kinh doanh khác, đơn cử với mảng môi giới, TGĐ của Chứng khoán Bản Việt cho rằng "luật chơi" của thị trường cho đến nay là do các công ty nước ngoài có nguồn vốn thấp quyết định. Để đối phó lại, Chứng khoán Bản Việt cần tìm và huy động nguồn vốn thấp.

Gần đây, Chứng khoán Bản Việt huy động 48 triệu USD (khoản vay nước ngoài với lãi suất thấp, khoảng hơn 5%). Sắp tới, công ty chủ yếu huy động vốn nước ngoài, nguồn vốn sẽ ngắn hơn, nhưng lãi suất thấp hơn để phù hợp với chu kì của nhà đầu tư khoảng 3 tháng, 6 tháng. Các khoản vay này là tín chấp, không cần tài sản đảm bảo, ông Hải chia sẻ.

Theo lãnh đạo của Chứng khoán Bản Việt, hoạt động tự doanh của công ty không tập trung vào cổ phiếu niêm yết, mà đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp tư nhân.

Về mảng tư vấn, Chứng khoán Bản Việt tập trung vào các ngành tăng trưởng tốt. Trong những năm trước, công ty tập trung ngân hàng. Giai đoạn gần đây, công ty quay trở lại ngành hàng tiêu dùng.

Với góc nhìn sâu hơn về ngành hàng tiêu dùng, CEO của Chứng khoán Bản Việt cho rằng định giá của các công ty kinh doanh trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là tương đối rẻ. Dẫn chứng định giá theo P/E trên thế giới là trên 25 lần.

Lợi Hoàng