ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: Lãi 210 tỉ đồng 5 tháng đầu năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống để triển khai phái sinh
Lãi 210 tỉ đồng trong 5 tháng đầu năm
Chiều nay (24/6), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS, mã: SHS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Kế hoạch kinh doanh năm nay, SHS đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 1.120 tỉ đồng, tăng nhẹ 4,4% so với thực hiện năm 2019. Doanh thu từ lãi cho vay và đầu tư chiếm giá trị lớn nhất, lần lượt là 405 tỉ đồng và 496 tỉ đồng. Về lợi nhuận, công ty đặt chỉ tiêu lãi trước thuế 320 tỉ đồng, tăng 5,2% so với năm ngoái.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong năm 2019, Chứng khoán SHS dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ 12%. Số tiền dự kiến chi trả là gần 250 tỉ đồng. Năm 2020, tỉ lệ trả cổ tức giảm xuống còn 10%.
Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc của công ty, kế hoạch kinh doanh năm nay được đưa ra với kịch bản VN-Index lình xình trong vùng 840 - 920 điểm trong thời gian còn lại.
Cập nhật kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm, chứng khoán SHS đạt doanh thu gần 570 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 210 tỉ đồng.
Đánh giá về năm 2019, theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc của công ty trong năm ngoái việc triển khai hệ thống chứng khoán phái sinh chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Những cơ hội của TTCK Việt Nam
Theo đánh giá từ Ban điều hành của Chứng khoán SHS, TTCK Việt Nam đối mặt với những khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng cũng có những cơ hội song hành.
Đơn cử, Dự kiến Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ được trình lên Quốc Hội để thông qua trong đó có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt liên quan tới sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp, ngoài ra cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát hành Chứng chỉ Lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) qua đó thu hút thêm nguồn vốn ngoại vào thị trường.
Bên cạnh đó, một số chính sách và sản phẩm mới sẽ được xem xét ban hành như nới biên độ giao dịch theo phân bảng cổ phiếu, triển khai các sản phẩm mới như chứng quyền có đảm bảo (CW) với tài sản cơ sở là chỉ số, quỹ ETF mới dựa trên 3 chỉ số mới tại sàn HOSE.
Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin mới dự kiến sẽ được triển khai qua đó nâng cao hạ tầng chung cho giao dịch trên thị trường.
Hơn nữa, Bộ Tài Chính dự kiến sẽ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 126/2017 và Nghị định 32/2018 qua đó giải tỏa một số vướng mắc liên quan tới quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Những yếu tố trên sẽ là cơ sở pháp lí và là nền tảng hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của TTCK.
Một cơ hội khác, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp lớn như Mobifone, VNPT, Satra, Genco 2, Genco 1, Vichem, Vinataba…thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết như ACV, Vietnam Airlines, Viglacera, PV Gas, Petrolimex…cùng với quá trình chuyển sàn của nhiều mã lớn từ UPCoM sang sàn niêm yết sẽ giúp cho thị trường có thêm hàng hóa có chất lượng và gia tăng thanh khoản.
Cuối cùng, cơ hội TTCK Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng thị trường, tăng tỉ trọng trong rổ chỉ số thị trường cận biên của MSCI và khả năng đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thành Thị trường Mới nổi trong giai đoạn 2020 - 2021.