|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dệt may ‘chớp cơ hội’ phục hồi xuất khẩu cuối năm và đầu năm 2022

08:40 | 06/11/2021
Chia sẻ
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc sản xuất để bù đắp đơn hàng bị chậm và đáp ứng cho đơn hàng mới vào cuối năm 2021, đầu 2022.

Thích nghi với “bình thường mới”

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK) cho biết: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã nới lỏng giãn cách và đi vào trạng thái “bình thường mới”. 

Trải qua hơn 4 tháng giãn cách, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều rơi vào khó khăn, tuy nhiên với sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp được mở cửa trở lại là một tín hiệu vui, tạo đà phục hồi sản xuất sau nhiều tháng bị đình trệ.

Ông Phạm Xuân Hồng đánh giá, khi bắt đầu sản xuất trở lại, hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ có những khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian đóng cửa, các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị những phương án kỹ lưỡng, đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Nhà nước, của ngành Y tế, để khôi phục sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn cho người lao động.

Cùng theo ông Hồng, hiện nay chưa có thống nhất giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận để có thể dịch chuyển công nhân. Do đó, người lao động vẫn còn “ái ngại” trong việc đi làm trở lại, điều này dẫn tới có một số doanh nghiệp chỉ có khoảng 70 – 80% lao động để sản xuất.

Nhìn lại đợt ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích: Áp lực và rủi ro khá lớn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam là trong khi các thị trường chính phục hồi mạnh, nhu cầu tăng nhanh trở lại thì ngành dệt may Việt Nam lại không được tổ chức sản xuất vì dịch bệnh.

Lượng khách hàng phải dịch chuyển đơn hàng đi chắc chắn sẽ lớn, với mức dự báo khoảng 3 - 4 tỷ USD trong quý 3/2021 khi kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 10 tỷ USD, trong khi mức trung bình của năm 2019 là khoảng 13 tỷ USD.

"Dịch chuyển của khách hàng đồng nghĩa với ảnh hưởng tới vị trí và thị phần của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng, chưa khẳng định ngay là sẽ giảm nhưng có tín hiệu xu thế giảm và có nguy cơ dài hạn làm giảm tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam đang đạt được 3 năm trở lại đây”, ông Trường nói.

Dệt may ‘chớp cơ hội’ phục hồi xuất khẩu cuối năm và đầu năm 2022  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Thanh niên).

Dệt may tăng tốc

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, từ khi Chính phủ xác định sống chung với dịch và chính thức có hướng dẫn doanh nghiệp vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế thì May 10 đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành, giải quyết những đơn hàng giao hàng muộn cho khách hàng của quý III/2021. 

Hiện nay tất cả người lao động của May 10 đều làm việc hết công suất, thậm chí làm thêm giờ để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết đến quý IV/2021. Một số đơn vị của May 10 cũng đã có đơn hàng đến hết quý I/2022.

“Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ và tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, chúng tôi tin rằng quý IV/2021 này May 10 không chỉ hoàn thành mục tiêu của quý IV/2021 mà có thể bù đắp sự giảm sút trong quý III/2021 do phải nghỉ giãn cách”, ông Thân Đức Việt cho hay.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu đan TP  Hồ Chí Minh (AGTEK) cũng cho biết, dự báo trong quý IV/2021, các đơn hàng sẽ tốt lên bởi các đơn hàng còn tồn đọng chưa sản xuất cũng khá nhiều, cùng đó các đơn hàng mới được bổ sung. 

Bên cạnh đó, tinh thần của người lao động cũng đang rất háo hức sau khi được trở lại làm việc, có những doanh nghiệp năng suất cao hơn bình thường, bởi sau khoảng thời gian dài đình trệ, công nhân rất cần việc và thu nhập. Có nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ để kịp các đơn hàng.

"Tôi cho rằng, đây cũng là một tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam trong 3 tháng cuối năm", ông Phạm Xuân Hồng cho hay.

Về dự báo triển vọng năm 2022, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng, năm 2022, tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới khả năng kiểm soát dịch tốt hơn, khi đó thị trường sẽ tốt lên.

“Không chỉ an toàn xã hội, chính trị ổn định mà tay nghề công nhân của Việt Nam cũng tốt hơn. Chúng ta nên “chớp” lấy cơ hội để vươn lên trong năm 2022. Tôi hy vọng sau một thời gian bị giãn đoạn vì dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ liên kết lại để khai thác được tiềm năng tăng trưởng thị trường dệt may thế giới”, ông Hồng nói.

Ông Lê Tiến Trường đánh giá, năm 2022 được đánh giá là năm đầu tiên của 3 năm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh giai đoạn 2022 - 2024. Mục tiêu vừa phục hồi sản xuất, tài chính, khách hàng và thị trường đồng thời với cấu trúc lại tinh gọn kể cả phải thu hẹp quy mô, chuyển đổi công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý, tái phân bố địa bàn sản xuất.

Thu Trang