|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đến cổ phiếu 'đỉnh của chóp' như Apple cũng bị bán tháo, thị trường chứng khoán đang rơi xuống vực sâu?

15:20 | 13/05/2022
Chia sẻ
Chỉ tính riêng trong tuần này, cổ phiếu của Apple đã mất 8%. Một số chuyên gia cảnh báo đây có thể là dấu hiệu đáng ngại vì ngay cả "hầm trú ẩn" an toàn như Apple cũng bị bán tháo.

Cảnh báo cho thị trường

Trong tuần này, cổ phiếu của Apple đã giảm hơn 8%, khiến vốn hóa của nhà sản xuất iPhone bốc hơi khoảng 200 tỷ USD, đồng thời kéo tụt chỉ số Dow Jones lẫn Nasdaq. “Táo khuyết” hiện đã chính thức bước chân vào thị trường gấu cùng những gã khổng lồ công nghệ khác.

Chưa kể, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco cũng chính thức vượt mặt Apple để trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Cổ phiếu của Aramco được hỗ trợ bởi giá dầu thô, nhưng nhu cầu cho cổ phiếu công nghệ lại sụt giảm trầm trọng vì lạm phát tăng nóng, một phần do giá “vàng đen” tăng cao.

Cụ thể, trong phiên 11/5, cổ phiếu của đại gia ngành năng lượng đã giao dịch gần mức kỷ lục, kéo vốn hóa lên 2.430 tỷ USD và lần đầu tiên đánh bại Apple kể từ năm 2020. Cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone mất 5,2%, đóng cửa ở mức 146,5 USD/cp và đẩy vốn hóa tụt xuống còn 2.370 tỷ USD.

CEO Apple Tim Cook. (Ảnh: Getty Images). 

Cú sảy chân của Apple diễn ra trong một tuần khá tồi tệ đối với thị trường chứng khoán. Cổ phiếu của hầu hết các ngành đều bị bán tháo do nhà đầu tư lo ngại về kế hoạch tăng lãi suất của Fed, niềm tin người tiêu dùng suy yếu, lạm phát gia tăng và thách thức chuỗi cung ứng ngày càng nghiêm trọng.

Cổ phiếu của “táo khuyết” thường được coi là một nơi “an toàn” để các nhà đầu tư gửi tiền vào. Việc Apple bị bán tháo cùng các cổ phiếu khác là một dấu hiệu xấu cho thị trường và chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư đang sa sút.

Chia sẻ với CNBC, chiến lược gia Jeff DeGraff của hãng phân tích Renaissance Macro Research cho rằng trong một thị trường gấu, không có nơi nào an toàn để nhà đầu tư trú ẩn, kể cả Apple.

“Giả định của chúng tôi là đợt báo tháo cổ phiếu Apple sẽ tiếp tục, không phải vì chúng tôi biết gì về doanh thu dịch vụ hay lượng iPhone xuất xưởng trong quý này”, nhà đồng sáng lập Nick Colas của Datatrek cho hay.

“…mà bởi chúng tôi tin rằng một khi nhà đầu tư đã bán ra những cổ phiếu hàng đầu như Apple thì mọi chuyện không chỉ diễn ra ngày một ngày hai”, vị chuyên gia cảnh báo với CNBC.

Apple vẫn là kẻ thành công

Xu hướng hiện tại của Apple đánh dấu một sự đảo ngược đáng chú ý so với tháng 11 năm ngoái, khi các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng mạnh bắt đầu lao dốc nhưng Apple vẫn thu hút nhà đầu tư, những người muốn tìm kiếm món hời ít rủi ro trong lĩnh vực công nghệ.

Dù vậy, Apple vẫn sở hữu dòng tiền đáng kinh ngạc, giúp hãng có thể chịu đựng được các đợt báo tháo và mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Trong quý I năm nay, Apple đã tạo ra dòng tiền hoạt động 28 tỷ USD trên tổng doanh thu 97,3 tỷ USD. Nhà sản xuất iPhone đã chi 27 tỷ USD trong quý vừa qua để mua lại cổ phiếu của chính mình và chi trả cổ tức.

Mặt khác, việc niềm tin của người tiêu dùng suy yếu chưa gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của iPhone trong quý I. Mọi mảng kinh doanh của Apple đều tăng trưởng, ngoại trừ iPad, thứ mà hãng đổ lỗi là do thiếu chip.

 

Trong cuộc họp báo tháng trước, khi CEO Tim Cook được hỏi về tác động của các điều kiện vĩ mô và lạm phát đối với hoạt động kinh doanh của Apple, ông cho biết vấn đề lớn nhất của tập đoàn là phải sản xuất đủ iPhone và MacBook để đáp ứng nhu cầu toàn cầu, chứ không phải lo ngại nhu cầu sụt giảm.

Cook nhấn mạnh: “Hiện tại, trọng tâm chính của chúng tôi là về phía cung”.

Tuy nhiên, ngay cả khi Apple bắt đầu cảm nhận ảnh hưởng do các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu đi, thì đây vẫn là doanh nghiệp hiếm hoi nổi tiếng toàn cầu, có biên lợi nhuận hấp dẫn, đặt cửa hàng ở các trung tâm thương mại lớn và sở hữu bộ sưu tập các sản phẩm cũng như dịch vụ thu hút các khách hàng giàu có trên thế giới.

Hơn nữa, nếu tốc độ tăng trưởng chững lại, Apple vẫn sẽ tiếp tục tạo ra doanh thu và lợi nhuận khổng lồ, ngay cả khi họ không còn là công ty giá trị nhất thế giới.

Yên Khê