|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán toàn cầu nhiễu loạn, chuyên gia nêu lý do nhà đầu tư nên ở lại thị trường

07:45 | 12/05/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia do CNBC phỏng vấn chỉ ra rằng tình trạng kinh tế vẫn tương đối hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn. Thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là lợi nhuận doanh nghiệp.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty Images). 

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua một tuần đau đớn và gần nửa năm giống tố, nhưng một số chuyên gia tin rằng cuộc bán tháo gần đây khó có thể khiến nhà đầu tư bỏ cuộc hoàn toàn. 

Chỉ số S&P 500 kết phiên 9/5 thấp hơn 16% so với đầu năm, mất gần 12% chỉ trong quý II. Chỉ số chứng khoán chính của châu Âu Stoxx 600 giảm hơn 13% tính từ đầu năm 2022 đến chiều ngày 10/5, và chỉ số MSCI Asia Ex-Jan đóng cửa ngày 10/5 với số điểm kém hơn đầu năm 16%.

Nhà đầu tư đang bỏ chạy khỏi tài sản rủi ro do sự kết hợp của một loạt yếu tố đan xen nhau, bao gồm lạm phát cao dai dẳng, tăng trưởng kinh tế chậm lại, chiến sự Nga-Ukraine và cú sốc nguồn cung từ Trung Quốc. Quan trọng hơn cả là nguy cơ các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhằm kiểm soát giá tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nói với CNBC rằng nhà đầu tư vẫn còn cơ hội để kiếm lời, tuy họ phải chọn lọc kỹ hơn. Ông Fahad Kamal, Giám đốc đầu tư tại Kleinwort Hambros cho hay: “Rõ ràng nhà đầu tư vẫn rất sợ hãi khi thị trường biến động mạnh. Nhưng tôi không nghĩ họđã rơi vào trạng thái đầu hàng hoàn toàn, ít nhất là theo các thước đo mà chúng tôi theo dõi. Tôi không nghĩ chúng ta đang ở sâu trong trạng thái quá bán”.

Ông Kamal đã chỉ ra các tín hiệu trái chiều hiện nay, khi nền kinh tế “mạnh mẽ vừa phải” và lợi nhuận doanh nghiệp tương đối vững vàng nhưng lãi suất lại tăng và áp lực lạm phát phình to. Theo ông, chúng khiến nhà đầu tư khó có thể đánh giá chính xác liệu thị trường gấu có đang nổi lên.

Tuy nhiên, do chứng khoán toàn cầu vẫn phục hồi đáng kể so với đáy của đại dịch 18 tháng trước, ông khẳng định thị trường “đã chậm trễ trong việc điều chỉnh”, và do vậy vị chuyên gia vẫn duy trì vị thế trung lập với chứng khoán.  

Ông nói tiếp: “Có nhiều lý do để tin rằng tình hình thực chất không tồi tệ như những gì thị trường thể hiện trong vài ngày qua và từ đầu năm đến nay. Một trong số đó rõ rằng là chúng ta vẫn còn một nền kinh tế mạnh mẽ. Bạn vẫn có thể kiếm được việc, huy động tiền nếu muốn. Bạn cũng vay được tiền dù lãi suất có cao hơn chút ít, nhưng mức lãi suất này vẫn thuộc dạng thấp trong lịch sử”.

Dựa trên mô hình của Kleinwort, ông Kamal lập luận rằng tình hình kinh tế tế vẫn tương đối hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn, hầu hết các chuyên gia vẫn chưa dự báo suy thoái. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng định giá chứng khoán vẫn chưa rẻ và động lực thị trường “cực kỳ tiêu cực”.

“Tâm lý chưa chùng xuống đến mức bỏ cuộc hoàn toàn. Chúng ta vẫn chưa đến thời điểm mà mọi người muốn chạy ra lối thoát với bất cứ giá nào. Vẫn còn khá nhiều người muốn 'bắt đáy', ít nhất là trong một số bộ phận của thị trường.

Chúng tôi thực sự nghĩ rằng nền kinh tế vẫn đang được nhận nhiều sự trợ giúp từ các nhà hoạch định chinh sách. Đó là một trong những lý do Kleinwort Hambros chưa cắt giảm rủi ro và không đứng bên lề thị trường. Chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là bởi lợi nhuận doanh nghiệp”.

 

Các ngân hàng trung ương có ảnh hưởng đáng kể lên hướng đi của thị trường. Ngân hàng trung ương Mỹ và Anh đang tăng lãi suất và bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán để đối phó với lạm phát cao hàng thập kỷ. Ngân hàng trung ương châu Âu vẫn chưa khởi động chu kỳ tăng lãi suất, nhưng đã xác nhận kết thúc chương trình mua tài sản trong quý ba, mở đường tăng chi phí đi vay.

“Chọn hàng” ở đâu?

Bà Monica Defend, Giám đốc nghiên cứu của Viện Amundi, nói với CNBC rằng chừng nào lãi suất thực – lãi suất thị trường điều chỉnh theo lạm phát – còn đi lên, thì tài sản rủi ro vẫn sẽ trải qua những cuộc lao dốc nặng nề như từ đầu năm đến nay.

Nhưng giống như ông Kamal, bà không cho rằng nhà đầu tư sẽ lũ lượt đầu hàng, điều thường xảy ra trong một thị trường gấu kéo dài. Thay vào đó, bà cho rằng nhiều nhà đầu tư sẽ muốn quay trở lại thị trường một khi biến động dịu bớt.

“Để thấy được biến động giảm xuống, thị trường phải phản ánh hoàn toàn vào giá lộ trình thắt chặt chính sách của các ngân hàng trung ương, mà điều này vẫn chưa xảy ra”, bà giải thích.

Giám đốc Defend nói thêm rằng lợi nhuận doanh nghiệp có thể trở thành “cái neo” cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, bà cảnh báo rủi ro biên lợi nhuận thu hẹp lại trong các báo cáo tài chính sắp tới do chênh lệch giữa giá tiêu dùng và giá sản xuất nới rộng.

Lúc này, phương pháp đầu tư từ trên xuống (top down) có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội trong cổ phiếu chất lượng và giá trị, bao gồm cổ phiếu tài chính, do nhóm này có thể được hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng.

Phục hồi ngắn hạn

Bên cạnh sự náo loạn trên thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng và lãi suất cũng bị bán tháo trong những tuần gần đây. Trong khi đó, đồng USD – tài sản trú ẩn kinh điển – lại bật tăng rõ rệt. Điều này cho thấy tâm lý tiêu cực đang bao trùm các thị trường.

Các chuyên gia HSBC cho rằng do kỳ vọng nhà đầu tư đang rất thấp nên có khả năng tài sản rủi ro và trái phiếu thị trường phát triển sẽ phục hồi mạnh nếu tâm lý được cải thiện. Tuy nhiên, HSBC vẫn “ưu tiên an toàn hơn cả” do các chỉ báo của ngân hàng này đều thể hiện “xác suất xảy ra một cú sốc tăng trưởng trong 6 tháng tới rất cao”.

Lưu ý ngày 10/5 của HSBC viết rằng các chỉ báo của ngân hàng cho thấy ngoài một cuộc phục hồi ngắn hạn như trong tháng 3, đà giảm của thị trường sẽ khó có thể được đảo ngược nếu không có thêm sự hỗ trợ căn bản từ nền kinh tế”.

Giang