|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đề xuất thêm 3 vị trí lãnh đạo được bảo vệ đặc biệt

15:04 | 15/08/2016
Chia sẻ
Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng cần bảo vệ đặc biệt, nhưng một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra lại cho rằng cần thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ.
de xuat them 3 vi tri lanh dao duoc bao ve dac biet
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Mở rộng hay giữ nguyên?

Sáng 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự án Luật Cảnh vệ.

Theo pháp lệnh hiện hành, đối tượng cảnh vệ gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các vị đã từng giữ các cương vị này. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quốc hội, một số đối tượng khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam... cũng là đối tượng cảnh vệ.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, để phù hợp với tình hình hiện nay về công tác cảnh vệ.

“Vì các vị trên là những người đứng đầu các cơ quan xét xử, kiểm sát hoạt động tố tụng và ngoại giao, với đặc thù công việc luôn tiềm ẩn nguy hiểm và rủi ro cao”, Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.

“Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng hợp tác quốc tế, thì tính chất công việc của họ ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Vì vậy, cần phải áp dụng chế độ bảo vệ đặc biệt, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho họ”, ông nói.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có nhiều quan điểm khác nhau.

Nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại pháp lệnh hiện hành, vì cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Một số ý kiến thì nhất trí với đề xuất bổ sung như dự thảo luật vì cho rằng, các chức danh này có tầm ảnh hưởng quan trọng, liên quan đến hoạt động đối ngoại và hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố, tham nhũng hiện nay.

Ý kiến khác lại đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ theo hướng chỉ tập trung cho các yếu nhân (Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ) và một số vị trí thực sự đặc biệt quan trọng, có liên quan đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc mà các “thế lực thù địch” luôn tìm cách để tấn công.

“Đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại pháp lệnh hiện hành”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết.

Trong phần thảo luận, cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cũng đều cho rằng nên giữ đối tượng cảnh vệ như quy định hiện hành.

Tuy vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, nên báo cáo Quốc hội để xin ý kiến thêm.

Khi nào được nổ súng?

Bên cạnh đối tượng cảnh vệ, dự án luật cũng đề nghị thay đổi biện pháp cảnh vệ.

Cụ thể, pháp luật hiện hành quy định đối với nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Chủ tịch Quốc hội được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận, bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi không còn đương chức, nơi ở của các vị nêu trên thường không cố định, có người ở cùng con cháu hoặc về quê sinh sống, nên rất khó áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở.

Mặt khác, qua tham khảo pháp luật cảnh vệ của một số nước trên thế giới như Nga, Hàn Quốc… thì cũng không áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở trong trường hợp nêu trên.

“Vì vậy, dự thảo luật chỉ quy định các vị này được áp dụng biện pháp bảo vệ tiếp cận và các biện pháp khác trong trường hợp cần thiết, mà không quy định việc áp dụng biện pháp vũ trang tuần tra canh gác tại nơi ở”, Bộ trưởng Tô Lâm trình bày.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không nên thay đổi, nên giữ như hiện hành.

Một nội dung được nhiều ý kiến đề cập là quyền nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ của cảnh vệ. Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần phải quy định chi tiết từng trường hợp được nổ súng trong luật, và không nên quy định “các trường hợp nổ súng khác được thực hiện theo quy định của pháp luật”.