Đề xuất quán bia phải cách nhau tối thiểu 500m có khả thi?
Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng cần xem xét lại tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật như: Đề xuất hạn chế hoạt động quảng cáo, tài trợ đối với bia hay đề xuất hạn chế thời gian và địa điểm |
Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Nguyễn Văn Việt vừa có một loạt kiến nghị gửi Chính phủ liên quan đến việc xây dựng Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo ông Việt, ngành nước giải khát đang phải chịu mức thuế suất cao, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt là 65% trên giá bán và thuế nhập khẩu từ 45%-55%, ngoài ra còn các loại thuế khác như VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong hai năm gần đây số thuế phải nộp cho các sản phẩm rượu, bia nhập khẩu tăng đã gấp đôi. Vì vậy, cần xem lại tên gọi của “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia” khi mặc nhiên coi rượu, bia là thứ độc hại cần phòng chống.
“Việc sử dụng rượu, bia không đúng cách, lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại chứ không phải cứ tiêu dùng rượu, bia là có tác hại”, ông Việt cho hay.
Đại diện VBA cũng kiến nghị Chính phủ nên xem xét, có báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá và không thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe từ nguồn thu đối với rượu, bia.
“Cần xem xét lại tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật như: Đề xuất hạn chế hoạt động quảng cáo, tài trợ đối với bia hay đề xuất hạn chế thời gian và địa điểm, cũng như khoảng cách 500 m giữa các điểm bán bia. Ngoài ra, cần có giải pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu dân tự nấu cũng như không thành lập Quỹ vì sức khỏe dựa trên nguồn thu từ rượu bia”, ông Việt đề xuất.
Ông Paul Ariol, đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) cho rằng, dự luật phòng chống tác hại của rượu, bia cần tập trung vào ba nhóm giải pháp chính để đạt được những mục tiêu đã đề ra. Một là, tăng cường kiểm soát đồ uống có cồn bất hợp pháp, bao gồm các sản phẩm sản xuất thủ công, nhập lậu, giả, chất lượng kém nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Hai là, thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng thông qua tuyên truyền và giáo dục ở cấp cơ sở như trường học, cộng đồng địa phương, và trong gia đình. Ba là, tăng cường thực thi pháp luật thông qua kiểm tra, giám sát thường xuyên và các chế tài nghiêm ngặt.
Đại diện EuroCham cũng kiến nghị Bộ Y tế bỏ quy định về khoảng cách bán kính tối thiểu 500 m giữa các điểm kinh doanh rượu bia vì đây là đề xuất chưa khoa học và có thể tạo độc quyền khi mỗi trung tâm thương mại hay siêu thị chỉ được có một cửa hàng bán lẻ rượu, bia. Việc này cũng không hiệu quả trong việc hạn chế lạm dụng rượu bia vì người tiêu dùng sẵn sàng di chuyển thêm 50 m để mua rượu bia.
Theo các chuyên gia, để chống tác hại với người sử dụng, cơ quan quản lý cần thắt chặt quản lý kiểm soát rượu thủ công, rượu giả, rượu chất lượng kém. Cùng đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm pháp luật do lạm dụng rượu bia như lái xe khi say rượu, bạo lực gia đình, gây rối trật tự.
Một nghiên cứu của Viện Dân số và các vấn đề xã hội được công bố năm 2016 cũng chỉ ra rằng 75% lượng đồ uống tiêu thụ trên thị trường là những sản phẩm nằm ngoài kiểm soát như rượu nấu thủ công, đồ uống có cồn nhập lậu và giả. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại đang không bị chi phối bởi bất kỳ qui định nào về hạn chế kinh doanh cũng như chịu các loại thuế như những sản phẩm rượu, bia lưu hành hợp pháp.
Phạm Tuyên